Cập nhật: 21/09/2024 18:00:00
Xem cỡ chữ

Sáng 21/9, đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành chức năng đi kiểm tra hiện trạng sạt lở bờ sông tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn kiểm tra tình trạng sạt lở đất tại thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu (Sông Lô)

Theo báo cáo của UBND huyện Sông Lô, vào hồi 10h30 ngày 20/9/2024 phát hiện sạt, lở mạnh bờ sông Lô tương ứng đoạn từ 2 K0+650-K0+850 đê tả sông Lô, thuộc địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô; cung sạt có chiều dài khoảng 200m, khu vực bãi sông này hiện có 07 hộ dân sinh sống với khoảng 44 nhân khẩu. Trong đó 03 hộ đã bị đổ sập công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê tả Lô khoảng 30m.

Đến 18h00 cùng ngày, diễn biến sạt lở tiếp tục phát triển mạnh, lan rộng, trong hơn 7 giờ, cung sạt ăn sâu vào bãi sông trên 10m, vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách nhà dân 3m và cách chân đê tả Lô khoảng 20m; có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả Lô.

Nhiều công trình của người dân bị sạt lở xuống lòng sông.

Kiểm tra thực tế tại vị trí sạt lở, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn giao sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính và UBND huyện Sông Lô tham mưu, đề xuất phương án đảm bảo an toàn tuyến đê và tài sản, tính mạng của Nhân dân; Ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô. Công an tỉnh phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trên sông Lô.

UBND huyện Sông Lô chủ động cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở. Sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Thông báo rộng rãi về tình hình sự cố đến toàn thể Nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động xử lý khi diễn biến sạt lở lan rộng, uy hiếp đến an toàn tuyến đê tả Lô.

Lập chốt và tổ chức lực lượng thường trực 24/24h tại vị trí xảy ra sự cố cho đến khi xử lý xong. Tổ chức phân luồng giao thông, tuyệt đối cấm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê và hạn chế tập trung đông người để đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ cứu hộ, cứu nạn, hộ đê khi có sự cố. Phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.

Trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn báo cáo ngay về Ban Chỉ huy Phòng, chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Đặng Thưởng