Cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến các bản làng vùng cao mang đến nhiều điều mới lạ. Thế nhưng, người Mông ở Sa Pa vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, một trong số đó là nghề nhuộm chàm.
Người phụ nữ Mông đôi bàn tay lúc nào cũng xanh màu chàm, đó là dấu ấn sau những lần nhuộm chàm - công việc mà họ gắn bó cả đời. Phải mất khá nhiều thời gian trong việc nhuộm chàm mới có được màu đen cho bộ trang phục.
Người Mông khi đi ở nơi mới một thứ không thể thiếu khi mang theo đó là cây chàm giống. Chàm được trồng vào tháng 2 và háng 7 là mùa thu hoạch. Chàm cắt về, đem vò nát để lấy nước. Thứ nước cốt đó được đổ vào thùng gỗ thông, qua một lớp tro bếp để trong bao tải rồi pha thêm nước ngâm khoảng 1 tuần. Theo kinh nghiệm của đồng bào phải có tro bếp thì chàm mới giữ màu được lâu, không phai.
Qua một hai nước chàm, vải có màu xanh, liên tục như vậy trong khoảng một tháng thì tấm vải có màu đen thẫm và sau đó chuyển sang công đoạn mài bóng vải.
Vải được đặt trên một miếng gỗ và mài bằng một tấm đá. Để tạo độ trơn khi mài, người ta bôi sáp ong lên vải. Đôi chân người phụ nữ khéo léo đẩy đi đẩy lại tấm đá, khi vải sáng bóng lên là được. Những tấm vải này dùng để làm áo khoác ngoài cho đàn ông và vạt áo trước cho phụ nữ với ưu điểm đẹp và rất bền.
ST