Cập nhật: 14/12/2018 15:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh đột ngột kèm theo độ ẩm xuống thấp khiến trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong đó có cúm A. Cũng giống như các bệnh cúm thông thường, cúm A rất dễ mắc nhưng lại có diễn biến nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh không lây qua đường thực phẩm. Bệnh dễ lây nhất trong 5 ngày đầu phát bệnh, đối với trẻ em thì nguy cơ lây nhiễm sẽ lên tới 10 ngày.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm A nhất do hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Các biểu hiện của bệnh gồm: đột nhiên sốt cao, đau khắp người, nhức đầu, mệt mỏi hoặc ho khan, chảy nước mũi, đau họng. Người nhiễm Cúm A nói chung có biểu hiện giống cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh còn có kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm hơn. Vì thế cần phải theo dõi trẻ khi có những biểu hiện bất thường như: Trẻ sốt cao liên tục trên 39oC, kèm theo các biểu hiện đau đầu, đau cơ, Ho, đau họng, đau nhức cơ bắp. Một số trẻ có triệu chứng buồn nôn, khó thở thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm và có hướng điều trị kịp thời.

Khi trẻ mắc cúm A nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ dễ bị viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong.

Khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh đột ngột kèm theo độ ẩm xuống thấp khiến trẻ dễ mắc cúm trong đó có bệnh cúm A. Để phòng bệnh Cúm A cho trẻ, các bậc phụ huynh nên làm một số việc sau: Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng để loại bỏ những tác nhân gây cúm có thể bám ở lòng bàn tay. Không cho trẻ tiếp xúc hoặc tách trẻ khỏi những người đang bị cúm. Hạn chế cho trẻ ra ngoài hoặc đến những nơi đông người, tiếp xúc với người lạ. Tập trẻ có thói quen lấy tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, lưu ý đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, cần có một chế độ ăn hợp lý cho trẻ như: dễ tiêu hóa và đủ chất dinh dưỡng. Ăn chín uống sôi, tránh ăn các loại thịt, trứng từ các loại gia cầm đã bị ốm và chết. Đồng thời nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch bằng cách cho trẻ vận động, tập thể dục, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. Tiêm phòng cúm cho trẻ tạo ra kháng thể trong cơ thể trẻ chống lại với virus cúm. Khi  trẻ có triệu chứng nghi ngờ cúm, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Mai Hương

Tệp đính kèm