Cập nhật: 21/10/2020 14:01:00
Xem cỡ chữ

Thay vì chỉ kiểm tra cho điểm, học sinh THCS, THPT thì từ năm học 2020 - 2021, việc được đánh giá năng lực học tập theo hình thức chấm điểm kết hợp nhận xét. Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giờ học môn ngữ văn của cô giáo Tạ Thị Hằng, Trường THCS Kim Ngọc, huyện Yên Lạc thật sôi động. Không còn khuôn mẫu cô giảng trò chép mà thay vào đó là sự trao đổi tương tác giữa cô và trò. Tiết học cứ thế diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình, giữa cô và trò. Theo Thông tư 26/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới đánh giá năng lực học sinh môn Ngữ văn của cô Hằng sẽ giảm được 4/10 bài kiểm tra, trong đó có kiểm tra 1 tiết và kiểm tra 2 tiết. Việc giảm đầu số điểm kiểm tra đánh giá, đồng nghĩa giúp giảm áp lực học tập cho các em học sinh. Việc đổi mới đánh giá này đòi hỏi giáo viên phải chủ động, linh hoạt trong đánh giá hướng tới sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Để triển khai Thông tư 26/2020 của Bộ GD&ĐT hiện nay, tất cả các giáo viên của nhà trường đã chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của ngành, giáo viên chủ động xây dựng chương trình giảng dạy, linh hoạt trong các hoạt động kiểm tra đánh giá trên cơ sở trung thực, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho các em và phụ huynh học sinh.

Đối với bậc THPT việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020 của Bộ GD&ĐT cơ bản không ảnh hưởng gì tới việc giảng dạy của các nhà trường. Đối với môn toán của cô Hiền giáo viên Trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc việc đổi mới này đã giúp cô giảm được 3 bài kiểm tra cho các em học sinh. Khi không còn điểm kiểm tra 1 tiết cô Hiền đã phải linh hoạt trong việc đánh giá năng lực học sinh bằng việc tăng cường kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút. Việc thay đổi này vẫn đảm bảo công bằng, khách quan, chính xác khi đánh giá năng lực các em học sinh.

Những đổi mới trong đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, Thông tư 26 kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi tư duy về đánh giá học sinh, bởi chất lượng học tập không phải chỉ đánh giá bằng điểm số và số lượng bài kiểm tra trong năm học. Đây cũng được xem là bước đệm giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Nguyễn Toàn