Cập nhật: 21/10/2020 16:30:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 21/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự phiên họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có ông Trần Văn Tiến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương và các ông, bà ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Thảo luận về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, chỉnh lý lại các khái niệm “cư trú”,“nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú” để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất cách hiểu với các luật khác. Nhiều đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước. Một số đại biểu cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là vấn đề rất lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân, do vậy cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện. Về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Cùng dự phiên họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đại tá Nguyễn Thế Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Thảo luận về dự thảo Luật này, đa số ý kiến nhất trí như dự thảo luật; một số ý kiến đề nghị chỉnh lý lại khái niệm “Biên phòng” cho rõ ràng, phù hợp tên Luật và phạm vi điều chỉnh, phù hợp với khái niệm “Quốc phòng” tại Luật Quốc phòng. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nhiệm vụ biên phòng cho thống nhất trong hệ thống pháp luật, thể hiện rõ nhiệm vụ của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, tránh chồng chéo về nhiệm vụ giữa các lực lượng. Đại biểu Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng dự thảo Luật lần này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách hoạt động Biên phòng, trong đó thể hiện được chính sách xây dựng nền biên phòng toàn dân. Đồng thời đề nghị cần bổ sung vào dự thảo luật quy định trách nhiệm của tất cả cấp ủy, chính quyền địa phương không có biên giới cũng phải thực hiện nhiệm vụ biên phòng./.

Văn Hải