Cập nhật: 26/10/2020 18:15:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, sáng 26/10, Quốc hội họp trực tuyến, nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Dự phiên họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc; cùng các ông, bà đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực. Qua đó, đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ; các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn.

Tại phiên họp, Quốc hội cũng nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho ý kiến vào từng nội dung, các đại biểu cho rằng: các báo cáo đã phản ánh đầy đủ kết quả các mặt công tác, chỉ tiêu đạt được, những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã chỉ rõ những thiếu sót của Chính phủ trong việc chưa đánh giá rõ tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc. Việc triển khai một số kiến nghị của Ủy ban Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng chống tội phạm còn chậm. Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa làm rõ nguyên nhân của một số mặt công tác chưa đạt được yêu cầu Quốc hội giao. Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân chưa chỉ ra nguyên nhân chủ quan tác động trực tiếp đến hoạt động của ngành Tòa án trong xét xử, đặc biệt xét xử các vụ án hình sự và hành chính.

Đối với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng đây là một trong những vấn đề quan trọng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đối với chính quyền ở các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Các đại biểu cơ bản tán thành về phương án chính thức thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

Lưu Trường