Cập nhật: 22/11/2020 09:28:00
Xem cỡ chữ

Bắt kịp nhịp độ phát triển của khoa học - kỹ thuật, nông dân Vĩnh Phúc đã và đang có những bước chuyển mình, thay đổi tư duy trong canh tác, sản xuất. Bằng sự học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ những nông dân đi trước và sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cách tiếp cận, nắm bắt thị trường của các ngành chuyên môn... từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi với những mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế ổn định.

Trước đây, người dân xã Kim Long, huyện Tam Dương lấy cây su su ăn quả và cây mướp là cây trồng chính. Nhưng do thị trường tiêu thụ khó khăn nên không mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Cách đây 4 năm, khi HTX rau an toàn Vĩnh Phúc được thành lập, nhiều hộ dân ở đây đã chủ động tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi với HTX, góp đất, góp công và gieo trồng, chăm bón theo quy trình chuẩn VietGAP. Do vậy, các sản phẩm rau, quả do họ làm ra đã được bán với giá cao hơn, thị trường tiêu thụ ổn định và trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân.

Nhiều người dân đã chủ động thu gom, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây hàng hóa. Điển hình như mô hình trồng hoa, trồng rau trong nhà lưới của anh Đỗ Trung Kiên ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Từ những thửa ruộng manh mún của người dân, anh Kiên đã thu gom, đầu tư nhà lưới để sản xuất hoa và rau, không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều nông dân tại địa phương.

Việc người dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau, quả khác đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.500 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác; đã có gần 2.000 ha diện tích rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vĩnh Phúc đang hướng đến nền nông nghiệp an toàn, nông nghiệp đô thị.

Hiện nay, tỉnh ta đang tiếp tục thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản an toàn với quy mô lớn; hình thành các mô hình HTX kiểu mới phát huy sức mạnh, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Mạnh Khiêm