Cập nhật: 27/11/2020 11:00:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

HTX Chăn nuôi Tam Đảo, thôn Quang Đạo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo có 10 thành viên chuyên chăn nuôi thỏ New Zealand với tổng đàn gần 10.000 con. Sản xuất và kinh doanh ổn định, sau khi trừ chi phí, các thành viên HTX thu lãi bình quân 120 - 150 triệu đồng/năm. Hiệu quả của HTX Tam Đảo đã đóng góp quan trọng vào phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất với quy mô 300ha tại 5 xã Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý và Quang Sơn. Để cây Thanh Long ruột đỏ phát triển bền vững, huyện Lập Thạch đã chủ động tổ chức lại sản xuất, tạo sự liên kết gắn bó giữa các khâu và các chủ thể trong chuỗi nhằm hạ giá thành, tăng thu nhập. Tạo lập các mối liên kết, nhất là liên kết của doanh nghiệp cung ứng vật tư, doanh nghiệp tiêu thụ quả thanh long với HTX, tổ hợp tác và người sản xuất, phấn đấu đảm bảo lợi ích cho các chủ thể.

Vĩnh Phúc hiện có hơn 230 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 60 HTX hoạt động hiệu quả; Doanh thu bình quân của HTX ước thực hiện là 980 triệu đồng/HTX/năm; lãi bình quân của 1 HTX là 100 triệu đồng/năm.Thực hiện các chính sách của Trung ương và của địa phương về việc đẩy mạnh đổi mới, tổ chức sắp xếp lại hoạt động của các HTX, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên HTX nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX, nếu phát triển đúng hướng, là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản./.

Đặng Thưởng