Cập nhật: 27/01/2021 17:45:00
Xem cỡ chữ

Ngày 27/01, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ngày làm việc thứ 3. Các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo văn kiện Đại hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn chủ tịch Đại hội điều hành phiên thảo luận. Tham dự phiên thảo luận tại hội trường về phía Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh cùng các đồng chí trong Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Mở đầu phiên thảo luận, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn có bài tham luận với chủ đề: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Cần thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.

Tiếp đó, các đại biểu đã phát biểu tham luận những nội dung được đề cập trong văn kiện Đại hội về củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"; phát huy phương châm "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân," thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Các đại biểu cũng phân tích các nội dung về xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Phát triển kinh tế tri thức - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ TP HCM.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các dự thảo văn kiện Đại hội.

Về phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, tham luận của các Đại biểu đề nghị cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư. Để đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tăng cường thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào việc nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, lãng phí./.

Ngọc Anh