Cập nhật: 17/05/2011 07:19:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 17.5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố về công tác. Dự hội nghị, đầu cầu tỉnh ta có lãnh đạo các sở: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Y tế, Công an, Công thương, và Sở KH&CN.

Hiện nay tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không tập trung trên địa bàn cả nước vẫn còn khá phổ biến, đang gây ra nhiều vấn đề phức tạp như: làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

 

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến tháng 12-2010, trên địa bàn tỉnh có trên 1 nghìn hộ tham gia giết mổ GSGC và chỉ có duy nhất nhà máy giết mổ GSGC và tập trung của Công ty Cổ phần Japfa Comfeed Việt Nam tại xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo với công suất thiết kế 500 con/giờ có sự kiểm soát của Chi cục Thú y. Tuy nhiên hoạt động giết mổ của nhà máy cũng chỉ cầm chừng 1-2 lần/tuần, mỗi lần giết mổ 300-500 con. Còn lại việc giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu từ các hộ nhỏ lẻ, hoạt động trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh thú y và không có khu vực xử lý nước thải, chất thải sau quá trình giết mổ.

 

Tính đến ngày 30-4-2011, đã có 4 huyện, thị đăng ký 4 mô hình làm điểm về xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó huyện Bình Xuyên có 1 cơ sở, huyện Vĩnh Tường 2 cơ sở, thị xã Phúc Yên 1 cơ sở. Tuy nhiên, tỉnh đang hoàn thiện việc quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH nên việc quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ GSGC tập trung gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, vị trí, công tác đền bù, GPMB

 

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Những năm gần đây, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đã được chính quyền một số địa phương quan tâm chỉ đạo nhằm cung cấp thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh cho tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần ngăn chặn dịch bệnh động vật và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, việc giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay vẫn còn tuỳ tiện, phân tán, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, đặc biệt ở các đô thị, khu công nghiệp, nơi đông dân cư; nhiều nơi còn buông lỏng việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, hạn chế phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng chí đề nghị các địa phương cần rà soát, kiểm tra đánh giá thực trạng trên địa bàn, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ thị số 30 của Chính Phủ và Thông tư 14 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Các sở ngành địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đền cấp uỷ, chính quyền, nhân dân và tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác thú y để từ đó nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về vấn đề này.

 

Lỗ Hiếu

Tệp đính kèm