Nhà cải cách tiên phong, ông Kim Ngọc một lần nữa lại được vinh danh. Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Cố Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú) Kim Ngọc vừa diễn ra trọng thể ngày 23 tháng 3 năm 2009.
Người học trò xuất sắc nhất của ông Kim Ngọc
Giữa bộn bề sự kiện lớn nhỏ trong cả nước, đây là một sự kiện được nhiều người chú ý. Trong những tấm huân chương trao tặng cho nhiều người trong thời gian qua, tấm huân chương dành cho ông Kim Ngọc gây xúc động và ngưỡng mộ sâu sắc trong lòng người. Nó lấp lánh một sắc màu riêng biệt, phản chiếu những góc cạnh khác nhau: Sự nhìn nhận về thời hiện tại. Bài học lớn về một thời đã qua. Và thông điệp với ngày mai.
Kim Ngọc - tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh 10 tháng 10 năm 1917, tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Mất ngày 26 tháng 5 năm 1979.
Tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam 1939. Năm 1954, Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc. Năm 1958, Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Từ năm 1968 đến 1978, Bí Thư tỉnh Vĩnh Phú. Kim Ngọc được coi là cha đẻ của khoán hộ mà người ta quen gọi là “khoán 10”, và đổi mới trong nông nghiệp ở Việt Nam.
Dù đã 30 năm nay ông không còn nữa trên cõi đời, nhà “khoán hộ” Kim Ngọc ấy vẫn được Đảng, Nhà nước tôn vinh một lần nữa. Nghĩa cử cao đẹp và chu đáo của thế hệ hiện tại đã nhận được sự đồng tình, sự tôn trọng, sự nhìn nhận của đông đảo nhân dân trong cả nước.
Sự đánh giá đúng đắn ấy đối với người đồng chí, với quá khứ, với lịch sử đã tăng thêm niềm tin của hàng triệu con người đang sống vào con đường đổi mới sẽ đưa đất nước đi lên văn minh, hiện đại và phồn vinh.
Tôn vinh nhà cải cách Kim Ngọc cũng có nghĩa là khẳng định vai trò to lớn của lớp người đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Chính sáng kiến "khoán hộ" (hay"Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã") của Kim Ngọc và các đồng chí của ông năm 1966, đã dẫn đến "khoán 10" (hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị 1988), tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa một đất nước bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.
Ông xứng đáng với sự đánh giá của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”. Và bức tượng ấy cũng đã có rồi: Tỉnh uỷ Vĩnh Phú đã tặng gia đình ông Kim Ngọc bức tượng đồng vị thủ trưởng kính yêu của mình. Tên tuổi nhà cải cách cũng được gắn với hai ngôi trường và một con đường đẹp nhất ở thành phố quê hương.
Và quý giá nhất là tên tuổi Kim Ngọc, công lao ông, sự nghiệp ông đã đi vào con tim của mọi người dân Việt Nam. Ngay thế hệ trẻ thuộc bậc cháu chắt của ông cũng biết ông, quý ông. Các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội, trong câu đối tặng gia đình ông, đã khắc ghi câu thơ “Ruộng đất công bằng nghĩa hợp/Thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Ngọc/Còn mãi với thời gian”.
Đúng vậy. Tư tưởng của ông, công lao của ông sẽ sống mãi với thời gian, trở thành bài học lớn, luôn sống động và mang tính thức tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang đòi hỏi tiếp tục đổi mới ngày nay. Cũng như vậy, tên tuổi những con người vì dân, vì nước, không ngại hiểm nguy, dám đổi mới, dám dấn thân như Kim Ngọc sẽ sống mãi với dân tộc, với thời gian. Đó là thông điệp lớn mà sự kiện Kim Ngọc gửi mọi người, cho thế hệ đang sống và thế hệ mai sau.
Sự kiện Kim Ngọc cũng là một bi kịch. Mọi người đều biết, ông Kim Ngọc luôn quan tâm đến dân, muốn “dân luôn được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành và chữa bệnh không mất tiền”, và cho rằng đó mới là “mục tiêu xã hội chủ nghĩa”. Vậy mà con người đó có lại bị tai ương, đến nỗi phải làm bản kiểm điểm, phải tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”.
Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn ông, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông.
Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông.
Dù đã được minh định rõ ràng, nhưng nỗi đau mà ông Kim Ngọc và gia đình đã hứng chịu vẫn để lại trong lòng mọi người niềm xót xa chung. Bi kịch Kim Ngọc, do đó, không còn là bi kịch cá nhân nữa. Đó cũng là bi kịch của đất nước trong quá trình đổi mới. Hơn nữa, còn là một bài học phản diện của lịch sử. Bài học đó vẫn còn luôn mới mẻ và có ích về sự nhìn nhận và phát hiện những nhân tố mới, yếu tố tiến bộ luôn sinh sôi nảy nở trong quá trình đi lên của đất nước.
Qua sự kiện truy tặng huân chương cao quý Hồ Chí Minh cho ông Kim Ngọc hôm nay, hy vọng rằng, những tấm huân chương trân trọng, tôn vinh những con người Đổi mới sẽ chỉ được trao cho họ ngay khi họ còn đương chức, tại vị. Để cổ vũ họ và bao người khác dấn thân cống hiến mạnh mẽ cho Đảng, cho dân tộc hơn nữa, ngay khi họ còn sống. Và để những bi kịch Kim Ngọc không tái diễn. Đó cũng chính là một thông điệp đến thế hệ ngày hôm nay và mai sau.
Theo Trần Minh - Vietnamnet