Cập nhật: 22/04/2009 06:53:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giữa điệp trùng đồi núi "giăng lũy xây thành", vùng đất "nhất Thanh" đột nhiên hiện ra trải rộng với màu xanh ngút ngàn tầm mắt. 55 năm về trước, nơi đây là chiến trường "bom cày đạn xé" khốc liệt nhất trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, đã làm nên chiến thắng Điện Biên "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Ngày nay, vùng lòng chảo Mường Thanh đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là phát triển nông nghiệp của tỉnh miền núi biên giới Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung. Đồng bào 21 dân tộc trên địa bàn hăng hái ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, làm nên một "kỳ tích" kinh tế trên vùng đất lịch sử này.

 

* "Dấu ấn" của khoa học kỹ thuật

 

Cánh đồng Mường Thanh thực sự trở thành "vựa lúa kho thịt" kể từ khi đồng bào các dân tộc biết "nghe và làm theo cán bộ kỹ thuật" - Ông Lò Văn Puốn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định. Sau giải phóng, những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải đổ thêm mồ hôi và cả máu để thu dọn hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại trả lại sự tươi xanh cho vùng đất màu mỡ này. Rồi lần lượt các thế hệ cán bộ kỹ thuật tăng cường từ các tỉnh miền xuôi lên "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" giúp bà con dân tộc xóa bỏ lối canh tác "tự cung tự cấp" lạc hậu, vận động họ áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, phục hồi và khai hoang mở rộng diện tích canh tác đưa năng suất cây trồng, vật nuôi tại đây không ngừng tăng trưởng.

 

Đến nay, nếu như sản lượng lương thực, thực phẩm mỗi năm của huyện Điện Biên chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng cả tỉnh, thì sự đóng góp của cánh đồng Mường Thanh chiếm tới 50%. Ngoài yếu tố đất đai rộng lớn gồm 5.000 ha ruộng hình thành từ nguồn phù sa do con sông Nậm Rốm từ bao đời nay bồi đắp, khí hậu ôn hòa thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, yếu tố quan trọng khác là đồng bào "Thái đen, Thái trắng, Thái Bình... đồng lòng xây dựng Điện Biên".

 

Ngay từ những năm đầu giải phóng, những dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuậ đã được tỉnh đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện trên đồng đất Mường Thanh. Theo bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Vùng lòng chảo Mường Thanh chính là nơi đi đầu ở địa phương nâng diện tích gieo cấy lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ ăn chắc, có nơi sản xuất 3 vụ lúa trong năm. Cách đây 20 năm, cuộc "cách mạng về giống" được hầu hết các hộ nông dân thực hiện, các giống lúa năng suất, chất lượng cao đã được gieo cấy đại trà, nâng năng suất mỗi năm từ 4 tấn lên tới 12 rồi 16 tấn/ha, cá biệt có hộ 17 tấn như ở Thanh Hưng, Thanh Xương, Noong Hẹt.

 

Đặc biệt, các loại gạo IR64, Bắc thơm làm nên thương hiệu "Gạo Điện Biên" lan tỏa trong cả nước, chưa kể đặc sản "gà vịt U Va", "trâu bò Sam Mứn", "lẩu sơ Bản Phủ", "tôm càng xanh, cá chép Thanh Hưng"... đã trở thành hàng hóa chủ lực. Ngoài cây lúa, kết quả của việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông-lâm nghiệp tại vùng lòng chảo Điện Biên đã làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi lên tới 30%, nhiều giống cây trồng cho năng suất tăng từ 1,5-2 lần so với trước kia. Tiêu biểu như đậu tương đạt 15-20 tạ/ha, ngô lai LVN10 đạt 65 tạ/ha...

 

Đến thăm xã Thanh Xương, nơi còn lưu dấu tích trước khi bại trận giặc Pháp đã ném bom hủy diệt khu tập trung Noong Nhai giết hại hơn 400 đồng bào địa phương, điều mà du khách cảm nhận trước tiên là những ruộng lúa xuân đang vào "thì con gái" xanh mướt mát báo hiệu một mùa bội thu đang tới gần. Nơi đây hệ thống kênh mương nội đồng và đường vào các thôn bản đã được bê tông hóa, nhấp nhô nhà sàn mái ngói truyền thống đan xen với những ngôi nhà xây hiện đại.

 

Ông Lò Văn Dọn là "cựu" cán bộ địa phương, một trong số ít người thoát chết trong vụ thảm sát cách đây 55 năm so sánh: "Trình độ canh tác nông nghiệp của đồng bào mình chẳng thua kém nông dân miền xuôi đâu. Họ biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và vật nuôi từ lâu rồi. Chuyện gieo vãi, dùng thuốc diệt cỏ, nuôi gia súc và trồng rau sạch theo công nghệ sinh học nhiều người làm và đang giàu lên đấy. Ngay cả gieo trồng, gặt hái bây giờ máy móc làm là chính thôi!". Cách đây 15 năm Thanh Xương từ chỗ bị xếp là xã nghèo, nhưng từ dự án "Phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng vùng" do huyện Điện Biên đề ra với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ đã làm thay đổi tận gốc nếp nghĩ cách làm "gặp chăng hay chớ" của bà con, trong đó cán bộ đảng viên là người đi đầu thực hiện đã tạo nên những đột biến trong phát triển nông nghiệp của xã. Hiện bình quân lương thực đầu người đạt trên 600kg/năm, số hộ khá giàu chiếm tới 67%, còn chuyện đói nơi này đã trở thành cổ tích.

 

* Nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm

 

Thấu hiểu vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giai đoạn 2006-2009, tỉnh Điện Biên đầu tư 7 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng 28 đề tài, dự án phát triển nông-lâm nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung cho khu vực vùng lòng chảo Điện Biên nhằm biến nơi này trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy các vùng phụ cận phát triển. Trước hết là ưu tiên ứng dụng những thành quả KHKT vào cánh đồng Mường Thanh để sản xuất lương thực với năng suất, chất lượng vượt trội hơn nữa. Tiếp đó là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản tạo ra những sản phẩm mới nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, điển hình như tôm càng xanh, cá chim trắng, cá mè Vinh, cá rô phi đơn tính, chép lai 3 dòng... Đi đôi với phát triển các cây công nghiệp mũi nhọn có khả năng cạnh tranh cao như cây chè, cà phê, cao su gắn với bảo toàn và mở rộng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn các sông suối. Tỉnh thực hiện chuyển giao các giống cây trồng vật nuôi tiến bộ hướng vào cải tạo giống, thúc đẩy việc phát triển gia súc gia cầm ở quy mô gia đình và trang trại.

 

Ông Đặng Văn Khán, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên cho biết: Nếu như năm 1969 đội ngũ cán bộ KHKT của tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) đếm trên đầu ngón tay, thì nay riêng tổng số cán bộ chuyên sâu của huyện Điện Biên đã lên tới hàng trăm người, trong đó có hàng chục người trình độ trên đại học, có đủ năng lực nghiên cứu và thực hiện các đề tài, dự án một cách hiệu quả. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm đã và đang được tăng cường đến tận xã bản, trở thành hạt nhân trong việc hướng dẫn và chuyển giao các tiến bộ KHKT và công nghệ mới cho nông dân, trong đó đa số là con em các dân tộc thiểu số địa phương. Nhờ đó, hoạt động KHKT và công nghệ đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, mà thành tích vượt trội nhất là từ năm 1996, Điện Biên không những đảm bảo được an ninh lương thực tại chỗ mà hàng năm còn có được hàng nghìn tấn lương thực làm hàng hóa. Riêng năm 2008, tổng sản lượng lương thực đạt 202.327 tấn, tăng 7,6%, trong đó huyện Điện Biên là 78.707 tấn.

 

Tuy vậy, do Điện Biên vẫn nằm trong số những tỉnh nghèo nhất nước (thu ngân sách tại chỗ năm 2008 mới đạt trên 275 tỷ đồng), nên để nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm nông-lâm nghiệp tại vùng lòng chảo Mường Thành và các khu vực khác, rất cần Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực của địa phương. Trước mắt, Bộ sớm thẩm định kinh phí để tỉnh triển khai dự án "Xây dựng chỉ dẫn Điện Biên cho sản phẩm gạo của vùng lòng chảo Mường Thanh", cũng như dự án "Sử dụng một số chế phẩm sinh học để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại Điện Biên". Bên cạnh đó Chương trình phát triển cây cao su của Điện Biên đã và đang được thực hiện, dự kiến sẽ trồng mới trong năm nay 3.000ha, riêng huyện Điện Biên 500ha.

 

Song cho đến nay việc nghiên cứu và xác định tính hiệu quả về kinh tế, tác động môi trường và sự phát triển ổn định của cây cao su trên địa bàn Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng chưa có một tổ chức khoa học nào nghiên cứu đánh giá cụ thể, đang là trở ngại cho việc triển khai trên diện rộng để đồng bào dân tộc có thêm một sản phẩm mới xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững./.

 

Theo TTXVN 

Tệp đính kèm