Cập nhật: 01/05/2009 05:35:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào ngày 30/4/1975, trong dòng người tháo chạy khỏi miền Nam Việt Nam, có một người đàn ông Mỹ tên Frederick Gulden đã bị kẹt lại tới 15 tháng và vì thế ông vẫn tự nhận mình là “the last American in Vietnam” (“người Mỹ cuối cùng ở Việt Nam”). Ông vừa qua đời cách đây vài tuần ở bệnh viện George Washington, thọ 86 tuổi. Chi tiết về cuộc đời ông cũng mới được tờ Washington Post đăng tải hôm 27/4.

Frederick Gulden là một kiến trúc sư. Năm 1972, sau hai năm làm việc tại Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, ông mở một văn phòng đại diện cho công ty kiến trúc DeLeuw Cather International ở Sài Gòn, khi cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn đang diễn ra. Đầu năm 1975, khi đang thiết kế một kho đạn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Gulden nghe tin đồn rằng sự sụp đổ của họ là không thể tránh khỏi.

 

Ngày 18/4/1975, ông tới Bangkok để thuyết phục một số nhân vật cấp cao trong công ty DeLeuw Cather đóng cửa văn phòng Sài Gòn. Bốn ngày sau, ông trở lại Việt Nam để lo sơ tán các nhân viên của văn phòng này. Theo lời khuyên của các quan chức chính phủ Mỹ, Gulden đưa các nhân viên lên một chiếc phà lớn và sơ tán theo đường sông. Ông và vài người khác dự định ra khỏi Việt Nam bằng đường hàng không.

 

Tuy nhiên vào thời điểm Gulden tới Đại sứ quán Mỹ ngày 30/4, chuyến bay cuối cùng đã vừa rời đi. Một phóng viên truyền hình Anh tìm thấy Gulden cùng với 200 người Việt và thắc mắc vì sao ông còn ở lại. Gulden nói rằng ông là “người Mỹ cuối cùng còn ở lại Việt Nam” và tới tận năm 1987, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Veteran dành cho các cựu binh Mỹ, ông vẫn tự gọi mình như vậy. Thật ra, theo các nhà viết sử, ngoài Frederick Gulden còn có khoảng 60 người Mỹ khác cũng kẹt lại ở Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Họ là các phóng viên, nhân viên làm công tác xã hội và cả một số người Mỹ kết hôn với phụ nữ Việt Nam.

 

Tờ Washington Post cho biết khoảng một chục người trong số đó được phía Việt Nam cho phép rời đi ngay trong mùa Hè năm 1975. Nhưng vào ngày 15/8, mọi lối ra đều bị đóng lại khi Mỹ, với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã đơn độc dùng quyền phủ quyết để ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc (nước ta chính thức là thành viên của tổ chức này vào ngày 20/9/1977).

 

Vậy là 49 người Mỹ, trong đó có Gulden, bị kẹt lại thêm khoảng một năm nữa. Trong khoảng thời gian đó, Gulden cho biết ông được ăn uống đầy đủ. “Tôi sống ở một căn hộ áp mái và chưa bao giờ bị ai làm phiền” - ông Gulden nói với một phóng viên của Washington Post vào ngày 2/8/1975. Hãng tin AP cho biết Gulden bị kẹt lại Việt Nam 15 tháng rồi mới trở về Mỹ.

 

Cảnh tháo chạy khỏi miền Nam Việt Nam trong ngày 30/4/1975

Frederick Neil Gulden sinh tại Minneapolis và phục vụ trong quân đội Mỹ thời Thế chiến II. Sau chiến tranh, ông tốt nghiệp Đại học Illinois và làm việc cho nhiều công ty kiến trúc cũng như chính phủ, liên quan tới các dự án ở Pakistan, Thái Lan, Ai Cập.

 

Chưa đầy một thập kỷ sau khi rời Việt Nam, Gulden đã bị dính líu vào các cuộc tranh cãi liên quan tới dự án xây dựng tư dinh của một đại sứ Mỹ tại Cairo, Ai Cập, trong đó ông là người quản lý. Nguyên nhân là do hệ thống điện trong tòa nhà hoạt động không ổn định khiến các con chip điều khiển hệ thống chiếu sáng bị cháy, ống nước vỡ, rò rỉ vì người ta không thử áp lực nước. Các cáp điện bị hư hại trước khi công trình hoàn tất, những ống nước thải cùng nhiều thứ khác phải được làm lại. Sự kiện này khiến Gulden, một thành viên thuộc Ban Xây dựng công trình ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ, lập tức bị sa thải và đưa trở về Washington, nơi ông sống cho tới cuối đời.

 

Về sau, viên Đại sứ - Alfred L. Atherton Jr.- lên tiếng bênh vực Gulden khi kể với tờ New York Times rằng ông này đã làm việc quá tải, phải quản lý tới 10 công trình một lúc. Dựa vào đó, Gulden đâm đơn kiện nhà chức trách vì những thiệt hại do bị sa thải và nhiều cảnh báo của ông liên quan tới công trình đã không được lắng nghe. Sự việc kéo dài hai năm, với kết cục là các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phải thừa nhận sự trong sạch và trung thực của Gulden. Ông về hưu vào năm 1986 và tạ thế hôm 4/4 qua ở bệnh viện đa khoa George Washington, để lại người vợ đã chung sống với mình 25 năm, bà Sherifa Gulden. Đầu tuần qua, khi đưa tin về sự kiện này, báo chí xứ cờ hoa vẫn gọi ông là “người Mỹ cuối cùng ở Việt Nam”.

 

Theo Tường Linh -  TT&VH

Tệp đính kèm