Cập nhật: 06/05/2009 23:06:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

1.Liệt sỹ Phan Đình Giót

Sinh năm 1920, dân tộc Kinh,quê ở làng Tam Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1950,đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Khi tuyên dương Anh hùng là Tiểu đội phó thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312.

Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo ta bắn chuẩn bị.

Các chiến sỹ đại đội 55 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Địch tập trung hoả lực đánh phá dữ dội xuống trận địa ta, nhiều chiến sỹ bị thương.Không hề nao núng, đồng chí vẫn tiến lên đánh tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng,

Cả đơn vị hò reo xốc tới,lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, Phan Đình Giót vọt lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh lại bị thương vào vai, máu chẩy đầm đìa. Trong khi đó hỏa lực của địch từ lô cốt số 3 bắn rót vào đội hình của ta,Phan Đình Giót cố gắng lê lên nhích dần đến gần lô cốt số 3 với ý định làm câm họng súng địch . Anh đã dùng hết sức mình còn lại vươn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hoả lực điểm lợi hại nhất của quân địch đã bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuyên dương ngày 31.8.1955.

2.Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện

Sinh năm 1924 – 1953, dân tộc Kinh quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá; nhập ngũ tháng 7 năm 1949, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi tuyên dương Anh hùng anh là tiểu đội trưởng pháo cao xạ thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

Tháng 5 năm 1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ.

 Đơn vị của đồng chí được lệnh kéo pháo tới vị trí tập kết để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 5 đêm kéo pháo tới dốc Chuối, một cái dốc nghiêng 70 độ, đường hẹp và cua rất nguy hiểm.Tô Vĩnh Diện cùng đồng chí Ty xung phong lái pháo. Nửa chừng dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô đồng đội: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo.Khẩu pháo bị chặn lại, xoay ngang, húc càng vào vách núi và đè lên người đảng viên ưu tú, dũng cảm tuyệt vời đó.

Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Tuyên dương ngày 7.5.1956.

3. Đồng chí Phùng Văn Khầu

Sinh năm 1930, dân tộc Nùng, quê ở xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nhập ngũ năm 1946, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Trung đội trưởng pháo binh thuộc Sư đoàn 351.

Tháng 12 năm 1949, Phùng Văn Khầu xung phong vào bộ dội. Từ đó đến năm 1954, đồng chí đã tham gia chiến dịch lớn, đánh hàng chục trận. Chiến dịch nào, trận đánh nào, đồng chí cũng tỏ ra dũng cảm, mưu trí, khênh pháo vận động giỏi, chuyển đạn, thao tác pháo nhanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ Quân đội nhân dân anh hùng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội Phùng Văn Khầu làm nhiệm vụ bán phá đồi E, đồng chí đã chỉ huy khẩu đội bắn 22 phát đạn đều trúng mục tiêu. Suốt 35 ngày đêm, mặc dù pháo binh địch bần phá rất ác liệt, có lúc tiểu đội chỉ còn 2 người, bản thân nhiều lần bị sức ép và bị thương, nhưng đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần ngoan cường bám trận địa, tích cực tiến công địch, khi bị sức ép, ngất đi, tỉnh dậy lại tiếp tục chiến đấu.

Tính tổng cộng trong thời gian phòng ngự ở đồi E, với một khẩu pháo 75 ly, Phùng Văn Khầu đã bắn phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.

Tuyên dương ngày 31 tháng 8 năm 1955.

4- Đồng chí Trần Đình Hùng

Sinh năm 1931, dân tộc kinh, quê ở xã Đại Đồng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.Nhập ngũ tháng 7-1950, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng là Trung đội trưởng pháo ĐKZ thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội đồng chí làm nhiệm vụ giữ đồi 106. Địch tập trung một tiểu đoàn có máy bay và đại bác yểm trợ, tiến công lên trận địa phòng ngự của đơn vị ( chỉ có một khẩu DKZ và một tiểu đội bộ binh gồm 1 tiểu đội bộ binh gồm 20 chiến sỹ ). Khi bộ binh địch bắt đầu tiến lên, kính ngắm DKZ bị hỏng vì đạn pháo địch, đồng chí ngắm qua nòng pháo, hô cho xã thủ bắn, ngay phát thứ nhất đã trúng giữa đội hình địch, địch chết vô số, vội dừng lại, nghe ngóng một hồi rồi mới lồm cồm bò lên, lần này chờ cho chúng vào thật gần đồng chí mới bắn vừa hạ được nhiều địch, vừa uy hiếp mạnh mẽ tinh thần của chúng. Cứ thế , lần nào địch xông lên cũng đều bị pháo DKZ của khẩu đội đồng chí bắn chúng đội hình buộc địch phải rút lui ra xa. Kết quả, khẩu đội DKZ do đồng chí chỉ huy đã diệt tại chỗ 40 tên địch, phá hủy một súng cối 82 ly. Trận địa vẫn giữ vững.

Tuyên dương ngày 7-5-1956.

5.Liệt sỹ Trần Can

Trần Can sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 1 năm 1951. Khi tuyên dương Anh hùng là Đại đội phó bộ binh thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thành tích: kiên cường  bám trụ đánh địch, giữ vững trận địa trên điểm cao 507.

Tuyên dương ngày 7.5.1956.

6- Đồng chí Nguyễn Văn Ty

Sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhập ngũ tháng 2-1949, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Đại đội trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn 88, Đại đoàn 308.

Thành tích: dũng cảm, mưu trí, chỉ huy đơn vị đánh bộc phá mở đường để bộ đội tiến công tiêu diệt đồi Độc Lập.

Tuyên dương ngày 31.8.1955

7.Đồng chí Lộc Văn Trọng

Sinh năm 1905, dân tộc Tày, quê ở xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nhập ngũ năm 1950, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Trung đội phó lái xe ô tô, thuộc Cục Vận tải - Tổng Cục Hậu cần.

Thành tích: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lái xe vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tuyên dương ngày 31.8.1955

8. Đồng chí Chu Văn Mùi

Sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhập ngũ năm 1949, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Trung đội trưởng thông tin vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 102, Sư đoàn 308.

Thành tích: bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện trong chiến đấu phòng ngự đồi A1 và đồi 311B

Tuyên dương ngày 31.8.1955

9. Đồng chí Phan Tư

 Sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh nghệ An. Nhập ngũ tháng 6-1951, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Đại đội trưởng công binh thuộc Đoàn 555, Cục Công binh.

Thành tích: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội phá thác trên sông Nậm Na, bảo đảm vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch

Tuyên dương ngày 31.8.1955

10. Đồng chí Đặng Đình Hồ

Sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nhập ngũ năm 1950, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Tiểu đoàn phó bộ binh, Đại đoàn 304.

Thành tích: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội mở cửa đánh vào đồi C

Tuyên dương ngày 7.5.1956

11. Đồng chí Bùi Đình Cư

Sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Việt Tiến, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nhập ngũ tháng 2-1949, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Trung đội trưởng pháo binh thuộc Trung đoàn 675, Đại đoàn 351

Thành tích: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội bắn pháo đánh đồi Him Lam, đồi Độc Lập và thu pháo của địch.

Tuyên dương ngày 31.8.1955

12. Đồng chí Đinh Văn Mẫu

Sinh năm 1922, dân tộc Mường, quê ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Nhập ngũ tháng 12-1949, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Thành tích:khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, vượt qua bom đạn, bảo đảm ăn uống cho bộ dội phòng ngự trên đồi C1,D1,D2.

Tuyên dương ngày 7.5.1956

13. Đồng chí Đặng Đức Song

Sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4-1952, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316.

Thành tích: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội chiến đấu tại đồi Xanh, đồi C1, đồi Mâm xôi

Tuyên dương ngày 7.5.1956

14. Đồng chí Lưu Viết Thoảng

 Sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nhập ngũ tháng 11-1949, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Chính trị viên phó Đại đội thuộc đoàn 151, Cục Công binh..

Thành tích: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội đào đường hầm dài 43m trong 16 ngày đêm, đưa 986kg thuốc nổ để đánh sập hệ thống phòng ngự của địch ngày 6.5.1954

Tuyên dương ngày 7.5.1956

15. Đồng chí Dương Quảng Châu (tức Dương Ngọc Chiến)

Sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nhập ngũ tháng 5-1948, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Trung đội phó đại đội quân báo, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.

Thành tích: trong khi chuẩn bị chiến trường đồng chí đã mưu trí dũng cảm bắt tù binh thu vũ khí. Vào chiến dịch, tuy bị thương nhưng đồng chí vẫn động viên bộ dội chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ.

Tuyên dương ngày 7.5.1956

( Không có ảnh )

16. Đồng chí Nguyễn Văn Thuần

Sinh năm 1916, dân tộc Kinh, quê ở xã Cộng Hòa, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Nhập ngũ tháng 9-1945, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Trung đoàn phó bộ binh, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đồng chỉ là tiêu biểu chi tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy bộ đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tuyên dương ngày 31.8.1955.

 

 

Trích Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

 

 

 

Tệp đính kèm