Cập nhật: 28/05/2009 06:15:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khoản tiền từ phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ nên ưu tiên đầu tư nâng cấp cho các cơ sở y tế, giáo dục ở vùng khó khăn; xây dựng ký túc xá cho sinh viên và nhà công vụ cho giáo viên.

Sáng nay (27/5), Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, tiếp tục thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội Nhà nước trong những tháng đầu năm 2009.

 

Những vấn đề chính được Quốc hội tập trung thảo luận trong buổi sáng nay gồm: Tăng cường đầu tư trong khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay; Giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thông; Ưu tiên dành 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư cho phát triển y tế và giáo dục.

 

Tập trung đầu tư cho y tế, giáo dục

 

Việc Chính phủ có kế hoạch phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 để tăng đầu tư cho các dự án giao thông, y tế, kiên cố trường học và xây dựng ký túc xá cho sinh viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), khoản tiền này cần được phân bổ tới những địa chỉ rõ ràng và có sự kiểm soát chặt chẽ. Việc phân bổ, giải ngân khoản tiền nên tập trung cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã ở những địa phương còn khó khăn; vùng sâu, vùng xa. Bởi ở những nơi này, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn yếu kém.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: Nghị quyết 18 của Quốc hội về phát triển an sinh xã hội, đầu tư cho các bệnh viện ở tuyến huyện, trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết đối với nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, trình độ chuyên môn của nhiều y, bác sĩ cơ sở còn hạn chế nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Chính phủ nên dành một khoản kinh phí từ phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực y tế.

 

Đại biểu Lò Văn Muôn (đoàn Điện Biên) nêu ý kiến: Hiện nay, tại các trường đại học, nhiều khu ký túc đã xuống cấp, không có đủ chỗ ở cho sinh viên. Việc phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ nên ưu tiên đầu tư cho các dự án xây dựng khu ký túc ở trường đại học.

 

Cùng quan điểm với đại biểu Lò Văn Muôn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, khoản tiền phát hành trái phiếu nên được ưu tiên đầu tư vào việc kiên cố hoá trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa vì ở những nơi này đang vẫn diễn ra tình trạng học sinh phải học trong những lớp học tranh tre nứa lá, bàn ghế ọp ẹp, giáo viên thiếu chỗ ở.

 

Về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014, Đại biểu Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, mức học phí ở các trường ĐH, CĐ áp dụng từ năm 1998 đến nay đã không còn phù hợp vì trượt giá. Nếu tính theo mức thu học phí cũ,  nhiều trường ĐH, CĐ sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cấp cơ sở vật chất. Vì vậy, việc tăng học phí là rất cần thiết và nên áp dụng từ năm nay.

 

Cần có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với nông dân tiếp cận nguồn vốn vay

 

... và quan tâm hơn đến “Tam nông”

 

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (đoàn Đồng Tháp), Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 được thực hiện còn chậm. Thị trường nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn đề nghị Quốc hội nên xem xét kỹ hơn đối với vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, tránh hiện tượng “được mùa nhưng rớt giá”.

 

Cùng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn, Đại biểu Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến: Người nông dân là chủ thể trong sản xuất, trồng trọt ra lúa gạo, cây trồng, vật nuôi nhưng đều phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Vì vậy, Chính phủ cần bảo hộ một số mặt hàng để người nông dân an tâm như: Sản xuất lúa gạo, cá basa, một số cây trồng, vật nuôi; đồng thời hỗ trợ nông dân khi gặp thiên tai, bão lụt; Cần có qui định cụ thể về giá vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu...

 

Về vấn đề kích cầu khu vực nông thôn, theo Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ), Chính phủ đã có sự hỗ trợ nhưng qua một thời gian thực hiện cho thấy, thủ tục để nông dân vay vốn còn rườm rà nên nông dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp. Vì vậy, các ngân hàng cần phân bổ thêm chi nhánh ở các vùng nông thôn để giải quyết các thủ tục cho nông dân vay vốn.

 

Còn đại biểu Đỗ Thị Lan thì cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng đưa ra chính sách ưu đãi hơn nữa đối với cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay.

 

Doanh nghiệp nợ lương của người lao động cần được kiểm soát
 

Doanh nghiệp “quên” trách nhiệm với người lao động

 

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận sáng nay. Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho rằng: Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu và giảm lao động. Điều này khiến cho số lượng lao động bị mất việc làm gia tăng. Nhiều  doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm không trả nợ cho công nhân. Vì thế, Chính phủ cần quan tâm hơn tới việc hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới cũng như có chính sách hỗ trợ thất nghiệp cho lao động.

 

Theo Đại biểu Phương Hữu Việt (đoàn Bắc Ninh): Quyết định 30 của Chính phủ về giải quyết việc làm cho lao động, hỗ trợ hộ nghèo thực hiện chưa hiệu quả. Nhiều hộ nghèo chưa được vay vốn để lao động, sản xuất.

 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng: Gói kích cầu của Chính phủ đưa ra, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng chỉ để đảo nợ. Ít doanh nghiệp vay tiền để trả lương cho công nhân. Điều này dẫn đến tình trạng đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần kiểm soát khoản tiền cho doanh nghiệp vay và cần có biện pháp kiểm soát những doanh nghiệp nợ lương của người lao động.

 

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007./.

 

 

 

Theo VOV

Tệp đính kèm