Số bệnh nhân nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 tại Mỹ có thể đã lên tới 1 triệu người. Đây là con số do Tiến sĩ Uy-li-am Sáp-nơ (William Schaffner) thuộc Đại học Tổng hợp Van-đơ-bít (Vanderbilt) của Mỹ đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn vắc-xin chống cúm diễn ra ngày 25/6, bàn về tình trạng lây lan của dịch cúm tại nước này.
Theo Tiến sĩ Sáp-nơ, các số liệu thống kê chính thức cho thấy Mỹ là nước có số người nhiễm cúm A/H1N1 nhiều nhất, chiếm một nửa trong tổng số bệnh nhân trên toàn thế giới, với gần 28.000 trường hợp, trong đó 127 người tử vong. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này chỉ là một phần nhỏ vì nhiều trường hợp mang triệu chứng cúm đã không đến bệnh viện khám. Cho đến nay, Mỹ ước tính chỉ có khoảng hơn 3.000 bệnh nhân nhập viện, số còn lại với triệu chứng nhẹ thường điều trị tại nhà.
Trong khi đó, tại Mê-hi-cô và Ca-na-đa, hai nước nằm trong vùng dịch, số người nhiễm cúm mới không còn tăng theo con số chục, mà mỗi ngày có thêm hàng trăm trường hợp mới. Tại Ca-na-đa, giới chức y tế đã không thể giải thích nổi tại sao dịch cúm lại có thể gia tăng mạnh như vậy tại các cộng đồng dân cư ở vùng miền Bắc nước này. Số ca xác định nhiễm cúm A/H1N1 tại khu vực này của Ca-na-đa đã lên tới gần 460 trường hợp trong tổng số hơn 6.700 ca nhiễm trên cả nước. Còn tại Mê-hi-cô, nước bùng phát dịch đầu tiên, con số được xác định nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 tính đến thời điểm này là hơn 8.000 người, song số ca tử vong vẫn rất cao, với 116 người. Ngày 25/6, Goa-tê-ma-la, quốc gia nằm ở Trung Mỹ, cũng thông báo trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm vi-rút cúm A/H1N1. Bệnh nhân là một nam thanh niên, 35 tuổi, nhập viện từ 2 tuần trước sau khi có biểu hiện cúm, tuy nhiên đã không có phản ứng tích cực với thuốc chống cúm.
Số người nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 không chỉ gia tăng tại các nước vùng dịch, mỗi ngày tại châu Âu, châu Á, châu Đại Dương, số người nhiễm mới đều tăng nhanh. Mới đây nhất, ba nước ở khu vực phía Nam sa mạc Xa-ha-ra của châu Phi là Ê-ti-ô-pi, Cốt Đi-voa và quốc đảo Cáp Ve đã công bố các trường hợp nhiễm đầu tiên. Sự xuất hiện của vi-rút cúm A/H1N1 ở các nước châu Phi được coi là đặc biệt nguy hiểm do những nước này có hệ thống y tế yếu kém, trong khi lại đang bị ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và lao.
Trước thực trạng cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan nhanh trên thế giới (hơn 56.000 trường hợp nhiễm, trong đó 249 người tử vong tại 110 nước và vùng lãnh thổ), đặc biệt tại các nước đang phát triển, các nhà lãnh đạo châu Mỹ đã kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp tìm ra loại vắc-xin hữu hiệu chống cúm A/H1N1. Lãnh đạo Mê-hi-cô và Chi-lê nhấn mạnh tầm quan trọng đối với việc tiếp cận với vắc-xin tại các nước đang phát triển, có hệ thống y tế nghèo nàn. Hiện tập đoàn dược Novartis của Thụy Sĩ công bố đã sản xuất lô vắc-xin chống cúm A/H1N1 đầu tiên, tuy nhiên không chấp nhận cung cấp miễn phí cho các nước nghèo.
Mặc dù đã nâng mức báo động dịch lên cấp cao nhất (cấp 6) trong thang cảnh báo sức khỏe cộng đồng, ngày 25/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo khẳng định chủng vi-rút cúm A/H1N1 hiện đang ổn định và chưa có dấu hiệu biến thể sang các dạng vi-rút khác. Thông tin này được Tổng Giám đốc WHO Ma-ga-rét Chan (Margaret Chan) đưa ra tại cuộc họp báo ở Mát-xcơ-va (Nga). Tuy nhiên, bà Chan nhấn mạnh việc cần phải giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm sẽ không có biến thể đối với cúm A/H1N1./.
Theo ĐCSVN