Cập nhật: 14/07/2009 06:25:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đêm qua, bão số 4 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh đến Nam Định, với sức gió từ 62-70 km/h, giật trên cấp 10.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc bộ và các tỉnh ven biển phía Đông bắc Bắc bộ. Đến chiều tối nay (13-7) vị trí trung tâm vùng áp thấp sẽ di chuyển lên khu vực vùng núi phía Tây Bắc bộ.

 

Cảnh giác với diễn biến phức tạp sau bão

 

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, cơn bão số 4 xuất hiện ngay sau đợt mưa lớn từng gây lũ quét sạt lở ở vùng núi phía Bắc đặt khu vực này vào tình trạng báo động cao. Sau đợt mưa lũ tuần trước, lượng nước tích trong đất còn khá nhiều, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất rất cao. Với lượng mưa dự báo lên tới 200mm ở một số điểm, nếu rơi đúng vào các địa phương từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất tuần trước như ở Bắc Cạn, khó tránh khỏi việc tiếp tục xảy ra hiểm họa này.

 

Ông Tăng cũng cho biết, hiện nay trên vùng biển ngoài khơi phía Đông bắc đảo Lu-dông (Phi-líp-pin), một áp thấp nhiệt đới vừa hình thành với tốc độ di chuyển khá nhanh theo hướng Tây - Tây tây bắc. "Áp thấp này còn ở khá xa, ảnh hưởng chưa rõ ràng. Tuy nhiên cần chú ý theo dõi diễn biến", ông Tăng cảnh báo.

 

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại âu thuyền phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Ảnh: TTXVN

 

71 tỷ đồng giúp các tỉnh bị thiên tai

 

 Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn hôm qua (12-7), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết, Chính phủ đã quyết định trích 71 tỷ đồng cho các địa phương bị thiên tai, lụt bão. Riêng tỉnh Bắc Cạn nhận được 20 tỷ đồng để khắc phục nhanh hệ thống giao thông, thủy lợi, hỗ trợ cho nhân dân xây dựng lại nhà cửa, khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.

 

Sau khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo tỉnh Bắc Cạn phải bảo đảm cho nhân dân ở những vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt không bị đói, kịp thời hỗ trợ những gia đình có người bị nạn, những gia đình có nhà bị cuốn trôi, bị sập... Việc hỗ trợ phải thực hiện công bằng, đúng chế độ chính sách của Nhà nước.

 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bắc Cạn thực hiện tốt công tác xử lý môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ; tăng cường chỉ đạo công tác thường trực, chủ động sẵn sàng ứng phó với bão lũ, chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

 

Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều qua đã có mưa trên diện rộng cho toàn miền Bắc, trong đó gây mưa vừa và mưa to ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương... Tổng lượng mưa tính đến 19h tối ngày 12-7 phổ biến trong khoảng 30-60mm, một số nơi lượng mưa tới 112-122mm như: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình. Riêng tại Hà Nội, chiều ngày 12-7 bắt đầu có mưa. Tuy nhiên lượng mưa không lớn, chưa ảnh hưởng nhiều đến đời sống, nhưng tại các cửa cống và kênh thoát nước trên địa bàn thành phố, mực nước đã dâng khá cao.

 

Theo thông tin từ các địa phương, do chủ động "đón" bão nên bước đầu chưa có thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Các tuyến đê biển ở Nam Định và Quảng Ninh vẫn cơ bản được bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, mưa lớn kèm gió giật mạnh cũng đã gây lo lắng và khó khăn trong sinh hoạt cho nhiều người dân. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thì trong hôm nay dự báo ở các tỉnh Bắc bộ tiếp tục có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to, trên dưới 100mm, có nơi 150-200mm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: "Dự báo mưa 100-200mm nhưng ở những vùng mưa cục bộ thường có mưa to 500-600mm gây lũ quét, dù không thể lường trước được xảy ra nơi nào nhưng phải cảnh giác phòng tránh".

 

Hà Nội sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão

 

Để chủ động đối phó với ảnh hưởng của bão số 4, đặc biệt là ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão thành phố Hà Nội đã có 2 công điện chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát phương châm 4 tại chỗ ở các khu dân cư thuộc các vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sẵn sàng phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho người và tài sản; kiểm tra và sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn hồ chứa nước trên địa bàn; chỉ đạo chuẩn bị và thông báo cho nhân dân các khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa lũ dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu. Tại một số vị trí xung yếu, như kè Tráng Việt (Mê Linh), Tình Quang (Long Biên), các hồ Miễu, Đồng Sương (Chương Mỹ) cũng đã được tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác bảo vệ. Đối với các huyện có nguy cơ sạt lở đất cao như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn đã chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó.

 

Huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) sơ tán dân khu vực có nguy cơ sạt lở đất

 

Đến chiều 12-7, toàn bộ người dân trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, gần bờ sông, bờ suối của tỉnh Bắc Cạn đã được sơ tán đến khu vực an toàn. Tạm thời những người này ở xen ghép với người thân tại những nơi an toàn, hoặc ở nhờ nhà người dân. 

 

Trận mưa lũ xảy ra vào ngày 4-7 tại các tỉnh miền núi phía Bắc, huyện Pác Nặm là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, cả về người lẫn tài sản. Sau khi cơn bão số 4 vào đất liền, Pác Nặm sẽ vẫn là điểm nóng về nguy cơ sạt lở đất. Vì vậy, UBND huyện Pác Nặm đã chủ động di dời sớm gần 1.000 người dân (155 hộ) của thôn Khên Lền (xã Công Bằng) ra khỏi khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất và xảy ra lũ quét rất cao. 

 

Trong khi đó, việc tìm kiếm 9 người chết bị vùi trong đất tại huyện Pác Nặm tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, UBND huyện Pác Nặm đã di dời 250 người trong đoàn tìm kiếm cứu nạn đến nơi an toàn, đợi khi nào hết nguy hiểm thì công tác tìm kiếm tiếp tục được tiến hành. Hiện nay, chưa có người nào trong số 9 người này được tìm thấy và hy vọng tìm được xác của họ rất mong manh.

 

 

Theo HNM

Tệp đính kèm