Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch cúm A(H1N1) đang diễn biến phức tạp, lây từ người sang người với tốc độ nhanh và đã có nhiều ca tử vong. Tại Việt Nam, dịch cúm A(H1N1) bắt đầu lây lan nhanh ra cộng đồng. Vì vậy, công tác phòng, chống đại dịch này đang được triển khai quyết liệt và rộng khắp trong cả nước.
Hà Nội: Ngay sau khi phát hiện bị nhiễm cúm A/H1N1, nhân viên Lê D. H. (27 tuổi), công tác tại Trung tâm điều hành Tổng công ty viễn thông Quân đội Viettel, số 1 Giang Văn Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã được đưa vào điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Viện Vệ sinh dịch tễ Quân đội đã tiến hành khử khuẩn, sát trùng phòng làm việc, môi trường xung quanh tòa nhà của Trung tâm, giám sát những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Quân đội cũng yêu cầu những cán bộ công nhân viên làm việc tại tòa nhà Viettel tự theo dõi sức khỏe, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, sổ mũi cần tự cách ly, báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi, khám loại trừ, kịp thời phát hiện ngay khi có biểu hiện nghi ngờ.
Cục Quân y, Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 của Bộ Quốc phòng đã gửi điện thông báo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tăng cường các biện pháp phòng chống dịch; nếu có trường hợp nghi cúm A/H1N1 phải báo ngay cho cơ quan quân y và theo dõi diễn biến để có biện pháp xử lý, ngăn chặn không để lây lan.
* TP. Hồ Chí Minh: Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1, 4 tiểu ban (điều trị, dự phòng, hậu cần, tuyên truyền) và các bệnh viện đã họp bàn để đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường công tác điều trị và dự phòng dịch cúm A/H1N1 đang lây lan trong cộng đồng. UBND thành phố đã chi hơn 60 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy giúp thở, bơm, kim tiêm, xe cấp cứu... để tăng cường phòng chống dịch cúm A/H1N1. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện dự phòng thêm thuốc Tamiflu đáp ứng kịp thời cho công tác điều trị. Sở sẽ kiểm tra khu cách ly tại các bệnh viện ở 24 quận, huyện trên toàn địa bàn để phân tuyến điều trị. Các bệnh viện kể cả bệnh viện tư nhân đều sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1. Hiện, ngành y tế thành phố đã tăng cường thêm 300 giường điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1.
Ngày 28/7, ngành đường sắt có công điện khẩn cho các đơn vị toàn ngành tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch sau khi có thông tin từ Bộ Y tế khẳng định 3 hành khách đi tàu Thống Nhất TN2 khởi hành ngày 24/7 từ TP HCM ra Hà Nội dương tính với cúm A (H1N1).
Công điện yêu cầu Xí nghiệp toa xe Sài Gòn thực hiện phun hoá chất khử trùng toàn bộ các toa xe trên tàu TN2 (xuất phát từ TP HCM ngày 24/7) ngay sau khi tàu đến ga Hà Nội. Yêu cầu bố trí để cán bộ nhân viên tổ phục vụ trên tàu TN2 có khách nhiễm cúm nghỉ việc để theo dõi 7 ngày. Riêng thành viên tổ tàu TN2 xuất phát tại TP HCM lúc 10h5 ngày 26/7 cần mang khẩu trang liên tục khi phục vụ khách và nghỉ đi tàu 7 ngày khi tàu về lại ga Sài Gòn để theo dõi sức khoẻ. Tất cả các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn và các ga có đón trả khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất phải thực hiện phun khử trùng bằng hoá chất. Đồng thời các đơn vị liên quan thông báo với các cơ quan chức năng địa phương để phối hợp kiểm tra phát hiện hành khách bị nhiễm cúm trước khi lên tàu…
*Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng đường sắt đồng thời là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) của Tổng Công ty (TCT) Đường sắt Việt Nam cho biết, với đặc thù hoạt động của vận tải đường sắt, việc giám sát để tránh lây lan virus cúm trong vận chuyển hành khách là việc không đơn giản. Bởi một chuyến tàu có hàng mấy trăm người đi qua nhiều địa phương và nhiều ga lên xuống. Vì vậy, nếu 1 người bị nhiễm cúm đi tàu thì nguy cơ phát tán bệnh tật ở các địa phương rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên dù khó, ngành đường sắt vẫn phải triển khai nghiêm túc các biện pháp để phòng, hạn chế được mức nào hay mức ấy. Thời điểm này, do nhiều yếu tố cả kinh tế lẫn kỹ thuật nên ngành đường sắt mới có trên 100 toa tàu lắp hệ thống thu gom chất thải vệ sinh, việc xử lý chất thải cũng khó nhưng hạn chế bằng cách áp dụng khi tàu vào khu dân cư thì đóng nhà vệ sinh lại. Do virus H1N1 sẽ chết khi ở môi trường ngoài vài tiếng đồng hồ nên ngành đường sắt khuyến cáo khách đi tàu không nên dùng điều hoà, mở cửa cho nắng chiếu vào diệt vi trùng cúm.
* Đà Nẵng: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, lãnh đạo Ga Đà Nẵng cho biết nhà ga sẽ chủ động đối phó bằng nhiều biện pháp. Trước mắt, Ga Đà Nẵng mua một lượng lớn khẩu trang y tế để trang bị cho toàn bộ nhân viên của ga, đặc biệt là các nhân viên làm việc ở những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với hành khách và có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên bán vé, soát vé... Đồng thời, nhà ga cũng sẽ nhanh chóng liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để yêu cầu hỗ trợ và có những phương án đối phó, cách ly kịp thời khi có thông báo hành khách trên các chuyến tàu bị nghi nhiễm cúm A/H1N1. Hiện Ga Đà Nẵng vẫn chưa có phòng cách ly tại chỗ và còn thiếu những phương tiện y tế cần thiết để sớm phát hiện và cách ly bệnh nhân nghi nhiễm cúm, nhà ga sẽ sớm khắc phục trong thời gian sớm nhất.
* Đắk Lắk: Trưởng Ban phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong số 28 bệnh nhân nghi bị cúm A(H1N1) đang điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 6 trường hợp có mẫu xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với virus cúm A(H1N1), trong đó có 4 trường hợp là học sinh của các trường THPT: Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Khuyễn và Thái Bình (đều ở TP Hồ Chí Minh) về nghỉ hè; 1 trường hợp vừa đi du lịch ở Malaisia về, 1 trường hợp khác đi từ TP Hồ Chí Minh về.
Điều đáng lo ngại là, các trường hợp phát hiện dương tính với virus cúm A (H1N1) ở Đắk Lắk nằm rải rác tại nhiều huyện, thành phố và đã có thời gian khá dài tiếp xúc với nhiều người khác trước khi phát bệnh. Cũng theo ông Toàn, ngành y tế tỉnh hiện đang theo dõi 173 người thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đi từ các ổ dịch về, trong đó chủ yếu là học sinh của các trường đã được xác định là ổ dịch về nghỉ hè. Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm A ( H1N1) tỉnh Đắk Lắk đã họp khẩn cấp bàn biện pháp chống dịch.
*Lào Cai: Trước tình hình đại dịch cúm A (H1N1) đang lan nhanh trên thế giới và bùng phát tại một số nơi trong cộng đồng dân cư trong nước, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân và áp dụng các biện pháp khẩn cấp đề phòng tại các điểm xung yếu tập trung đông dân như khu cửa khẩu, khu du lịch Sa Pa, các trường học đông người.
Lào Cai là địa bàn có cửa khẩu quốc gia và quốc tế, đường giao thông sắt, bộ đi qua, có lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến khá đông nên tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống cúm A(H1N1), lập các chốt kiểm tra ở những điểm xung yếu, chuẩn bị đủ cơ số thuốc và chọn địa điểm lập bệnh viện dã chiến cấp tỉnh sức chứa từ 30 giường bệnh trở lên.
Sở Y tế Lào Cai đã xây dựng hoàn chỉnh kịch bản tình huống ở các cấp độ để có các giải pháp phòng chống phù hợp và dự kiến trong tháng 8 sẽ tổ chức diễn tập điểm cấp khu vực có sự tham gia của một số tỉnh lân cận như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái... Trước mắt ngành tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các đoàn thể làm cho từng người dân có ý thức phòng chống dịch bệnh, tăng cường khuyến cáo nhằm hạn chế sự lây lan, nhiễm bệnh trong công đồng dân cư. Trung tâm truyền thông y tế và y học dự phòng đã in hàng 100 ngàn tờ tài liệu liên quan về dịch cúm A(H1N1) phân phát về các địa bàn dân cư để cung cấp thông tin cho người dân các vấn đề liên quan đến dịch bệnh này.
Tuy chưa phát hiện người nhiễm cúm A(H1N1), nhưng Lào Cai đã có kế họach chủ động ứng phó, có các biện pháp đáp ứng khi tình huống xấu xảy ra; Qui định sự phối hợp giữa các cấp, các ban ngành, đoàn thể trong việc phòng chống dịch bệnh và chế độ báo cáo hàng ngày. Có sự phân công trách nhiệm cụ thể của UBND các cấp và các sở ngành cấp tỉnh.. Ngành giáo dục thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện cho các trường khai giảng năm học mới theo chỉ đạo của Chính phủ.
*Bình Dương đã ghi nhận 13 ca nhiễm cúm A(H1N1); trong đó có 10 học sinh ở hai trường Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến (TPHCM) trở về Bình Dương đã phát bệnh. Điểm đáng chú ý, có một sinh viên ở Ấp Bình Đáng, xã Bình Đường, huyện Thuận An nuôi em nhiễm cúm A(H1N1) cũng đã bị lây. Như vậy, tỉnh Bình Dương đã xác nhận có một người nhà lây bệnh từ trường học Ngô Thời Nhiệm. Ngoài 10 ca học sinh bị nhiễm cúm A.H1N1, hiện có 88 em học sinh ở trường Ngô Thời Nhiệm và 45 em ở trường Nguyễn Khuyến cơ sở 3 cũng đang được ngành y tế theo dõi.
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Dương khuyến cáo: tình hình cúm A(H1N1) còn diễn biến phức tạp, bản thân ngành y tế rất khó kiểm soát được dịch bệnh. Điều quan trọng là mọi người phải ý thức trong việc tự bảo vệ mình, nhất là những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh cúm phải tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, hạn chế đến những nơi đông người. phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
*Hải Phòng: UBND TP Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn cấp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành, quận, huyện về công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1); xác định đây là đại dịch nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh, vì thế ngành y tế kết hợp với các ban, ngành liên quan chủ động phòng tránh, hạn chế dịch lây lan, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải nghiêm túc, khẩn trương, đầy đủ, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các ngành chức năng phải lên kế hoạch cụ thể để xử lý dịch theo quy mô nhỏ, trung bình, lớn và đại dịch. Các ban ngành cần tập trung cao vào công tác tuyên truyền để từng người hiểu biết về dịch bệnh, giúp người dân tránh chủ quan song cũng không bị hoang mang, khuyến cáo người dân không sử dụng Tamiflu nếu không có sự hướng dẫn của thày thuốc.
Về công tác giám sát dịch bệnh, cần làm tốt việc giám sát ở cửa khẩu cả đường biển và đường hàng không, với tất cả các khách nội địa và người từ nước ngoài trở về. Với các nơi phát hiện dịch và bệnh viện phải quản lý chặt chẽ người bệnh, không để họ tiếp xúc làm lây lan dịch ra cộng đồng. UBND TP cũng yêu cầu Sở y tế tận dụng trang thiết bị hiện có, nhanh chóng đấu thầu mua những máy móc đã chỉ định thầu, những đơn vị thiếu trang thiết bị cần được bổ sung kịp thời để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch.
*Đồng Nai: Ngành y tế Đồng Nai đang tiến hành điều tra, giám sát các trường hợp là người Đồng Nai đang theo học tại trường Nguyễn Khuyến (TP.Hồ Chí Minh) - nơi bùng phát chùm ca bệnh trở về tỉnh, nhưng vẫn chưa có danh sách cụ thể. Cùng với việc tăng cường tập huấn công tác phòng chống dịch cho những nơi có học sinh từ vùng dịch trở về, ngành y tế Đồng Nai tiếp tục khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi ở và khi có nghi ngờ mắc cúm cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.
* Cần Thơ: Trước tình hình dịch cúm A H1N1 có nguy cơ lan rộng ra các trường học và cộng đồng, Sở y tế TP Cần Thơ họp khẩn cấp cùng ngành giáo dục -đào tạo và các Bệnh viện đa khoa Trung ương, Bệnh viện 121 (Quân khu 9), Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, Trung tâm y tế dự phòng Quân khu 9 bàn biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch lây lan.
Sở y tế phối hợp với Trung tâm y học dự phòng khẩn trương tập huấn cho đội ngũ giáo viên các trường phổ thông trong toàn thành phố các biện pháp phát hiện triệu chứng cúm A/H1N1, biện pháp phòng tránh, cách ly bệnh nhân. Các bệnh viện, trường học củng cố, thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm, tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện ngay những người có triệu chứng cúm; hướng dẫn nhân dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
Phương châm chỉ đạo hiện nay là điều trị tại chỗ, đúng tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất vận chuyển bệnh. Những ca nghi ngờ phải báo ngay cho cơ sở y tế và tổ chức cách ly, điều trị tại nhà. Sở y tế cũng thành lập tại các bệnh viện đa khoa thành phố, Bệnh viện nhi đồng, bệnh viện lao và bệnh phổi từ 2 đến 3 tổ điều trị lưu động để tiếp ứng cho tuyến y tế cơ sở./.
Theo ĐCSVN