Cập nhật: 20/08/2009 05:23:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trên mọi miền đất nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng những ngày lịch sử vẻ vang này.

Tại Hà Nội: Đã thành truyền thống, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ban Liên lạc cựu Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội) lại tổ chức gặp mặt đồng đội; những nhân chứng lịch sử tham gia Cách mạng Tháng Tám.

 

Ông Phan Anh ở ngõ 130, phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình, Hà Nội năm nay đã gần 90 tuổi, sức khoẻ và trí nhớ có phần giảm sút; nhưng khi nhắc tới sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945, mắt ông vụt sáng, gương mặt lanh lợi hẳn lên. Ông kể, chiều ngày 17/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông là người đã cướp diễn đàn và đưa mi-cờ-rô cho 2 đồng chí khác lần lượt diễn thuyết. Đây là một trong những hành động mở màn quan trọng cho việc biến cuộc mít tinh do Tổng hội công chức thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức, thành một cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh.

 

Ông Phan Anh nhớ lại: “Lúc đó mọi việc diễn ra rất nhanh, anh Thái Hy bảo vệ cho tôi lên cướp diễn đàn. Tôi lên yêu cầu người phụ trách loa đài đưa míc cho tôi và tôi tuyên bố cho bà con biết Nhật đã đầu hàng đồng minh vì lúc đó mới chỉ có những người như chúng tôi biết. Sau đó tôi đưa mi-cờ-rô cho chị Từ Trang và Nguyễn Khoa Diệu Hồng”.

 

Theo ông Lê Đức Vân, nguyên Uỷ viên ban Thanh vận thành uỷ Hà Nội, lúc đó, cuộc mít tinh chiều ngày 17/8/1945 là bước khởi đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Sau sự kiện này, ông Lê Đức Vân và nhiều cán bộ tham gia cuộc họp mở rộng của Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội, diễn ra tối ngày 17/8 quyết định bàn kế hoạch khởi nghĩa. Cuộc họp được tổ chức tại nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng (nay thuộc quận Cầu Giấy) một cơ sở cách mạng của Thành uỷ ở ngoại thành, với sự tham gia của của đại diện các đoàn thể cứu quốc, gồm: công nhân xung phong, thanh niên xung phong và tự vệ chiến đấu.

 

Ông Lê Đức Vân kể lại: “Tôi chưa từng chứng kiến cuộc mít tinh nào lớn như thế. Hàng vạn người sau khi dự mít tinh đã diễu hành trên tất cả các đường phố sau đó kết hợp lực lượng quần chúng tại địa phương thành những cuộc mít tinh nhỏ. Ngay tối hôm đó Uỷ ban quân sự cách mạng họp và quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8”

 

Ông Thái Hy, Trưởng Ban liên lạc cựu Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cho biết, thanh niên cứu quốc có tổ chức vũ trang là đoàn Thanh niên tuyên truyền thành Hoàng Diệu đã tổ chức được 15 cuộc mít tinh vũ trang đánh thức tinh thần yêu nước của thanh niên Hà Nội khi Nhật đảo chính Pháp. Thành uỷ thành lập thêm đội ám sát có trách nhiệm giết tề trừ gian. Hai tổ chức này đã làm rung động thành phố, hoạt động “xuất quỷ nhập thần”.

 

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng khẳng định: Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong thành công của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, 19/8/1945, có phần đóng góp tích cực của lớp thanh niên trẻ sống ở Hà Nội lúc đó. Đây là một truyền thống vẻ vang, cần được thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay noi theo trong sự nghiệp xây dựng Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Tại Bắc Giang: Trưng bày bảo tàng với chủ đề " Việt Nam - Lịch sử dựng nước và giữ nước " do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức đã khai mạc sáng 18/8, tại thành phố Bắc Giang. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 64 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

 

Cuộc trưng bày giới thiệu hơn 400 hình ảnh tư liệu lịch sử được chọn lọc tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của đất nước, hơn 100 hiện vật đặc sắc của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và gần 50 hình ảnh tư liệu chuyên đề "40 năm Bắc Giang thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ". Người xem được tìm hiểu, trở về cội nguồn dân tộc từ thời dựng nước, quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc cho đến thời kỳ đổi mới hiện nay; thành tựu của các dân tộc tỉnh Bắc Giang trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Thầy giáo Bùi Dương Hòa dẫn đoàn học sinh của 2 lớp khối 11 thuộc Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang đến xem trưng bày bảo tàng, cho biết: Đây là một hoạt động đặc thù, một cách giáo dục trực quan, sinh động và cụ thể của nhà trường để giúp học sinh tiếp thu sâu sắc, hiệu quả hơn các kiến thức về truyền thống, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; về các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có các huyện miền núi và các thành tựu của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.

Trưng bày bảo tàng sẽ diễn ra đến ngày 30/10/2009.

 

Vinatex: Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết: Để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vinatex dự kiến sẽ dành hơn 6 tỷ đồng đưa hàng về thị trường nông thôn và triển khai chương trình vận động người tiêu dùng mua sản phẩm dệt may Việt Nam nhằm ủng hộ đồng bào hải đảo.

 

Theo ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Vinatex: Từ nay đến cuối năm Tập đoàn sẽ triển khai hệ thống phân phối để đưa hàng về tận các vùng sâu, vùng xa, đồng thời trích 1.000 đồng/sản phẩm dệt may của tập đoàn để ủng hộ đồng bào ở đảo xa. Bên cạnh đó, hệ thống Vinatex Mart cũng tổ chức các chương trình “Sành điệu cùng hàng hiệu Việt Nam”, thi biểu diễn thời trang hàng Việt với khẩu hiệu “Khi khách hàng mua một sản phẩm dệt may Việt Nam là tạo thêm một việc làm cho công nhân”...Đáng chú ý, hiện nay doanh số thị trường nội địa của Vinatex đã tăng từ 17% đến 23% so với cùng kỳ năm ngoái và Tập đoàn đang phấn đấu đưa tỉ lệ này lên 28% đến 30%.

 

Tại Đăk Lăk: Đưa thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk) về đích sớm. Đó là mục tiêu mà các nhà thầu của dự án gồm Vinaconex (thầu chính), TCT Trường Sơn, TCT Xây dựng số 1, TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) đang quyết tâm thực hiện sau khi vận hành thành công tổ máy 1 và đưa vào phát điện thương mại từ tháng 4/2009 - về đích trước thời hạn 1 tháng.

 

Phó Tổng giám đốc TCT Vinaconex Mai Long cho biết: hiện tiến độ thi công các hạng mục cơ bản của công trình thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk) đang bám rất sát tiến độ. Theo giới chuyên môn, công trình này được đánh giá là khá phức tạp vì phải thi công đường hầm dài tới 10 km - đường hầm dài nhất trong các nhà máy thủy điện hiện nay. Cùng đó, địa chất công trình lại là đá bồ kết nên khả năng kết dính kém cũng là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, lực lượng thi công đang tiếp tục khẩn trương hoàn thành tổ máy số 2. Hiện nay, thiết bị phụ của máy phát, cáp các loại, ống dẫn dòng, máy biến thế tự dùng, máy biến thế kích từ… đã lắp đặt đạt tới 99%. Nhà thầu Vinaconex quyết tâm đưa tổ máy 2 phát điện trong tháng 9 và sẽ bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư khai thác, vận hành vào tháng 12 tới.

 

Với nguồn vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, thủy điện Buôn Kuốp là công trình lớn nhất trong số 6 nhà máy thủy điện được quy hoạch theo bậc thang thủy điện trên sông Sêrêpốk, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 2 tổ máy có tổng công suất 280 MW, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 1,4 tỷ kWh/năm.

 

Công trình này nhằm khai thác thác hiệu quả tiềm năng thủy điện, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, phục vụ nhu cầu dân sinh cho địa phương và khu vực Tây Nguyên. Ngoài việc tạo nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, công trình này còn điều hòa nguồn nước, cấp nước tạo nguồn cho hạ du công trình, phục vụ tưới tiêu cho hơn 100.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản…

 

Tại Thanh Hóa: Hướng tới kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân (CAND) (19-8), những ngày vừa qua, các đơn vị công an trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia.

 

Cùng với việc tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu TDTT với các đơn vị bạn, Công an tỉnh đang tổ chức giải bóng chuyền năm 2009. Các đơn vị đang tiến hành đấu bảng để chọn những đội xuất sắc vào vòng chung kết. Do được đầu tư tốt nên giải được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao, các đội thi đấu sôi nổi và hào hứng.

 

Với tinh thần xung kích, ĐVTN Công an tỉnh tiếp tục đăng ký xây dựng các công trình, phần việc thanh niên. Tình nguyện đảm nhận những việc mới, việc khó, ĐVTN Công an tỉnh đã tổ chức các chương trình về cơ sở khám, phát thuốc miễn phí cho đồng bào bản Xì Lô (Mường Lát); thăm và tặng quà các gia đình chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

 

Hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND; đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”, cấp ủy, lãnh đạo Công an huyện Hà Trung đang tập trung chỉ đạo toàn đơn vị bám cơ sở, bám địa bàn triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 10, Đề án 375 của Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, không để phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, không để đột xuất, bất ngờ xảy ra. Nhân ngày truyền thống lực lượng CAND (19-8), cấp ủy, lãnh đạo đơn vị sẽ tổ chức gặp mặt đại diện cấp ủy, chính quyền, công an cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể nghe góp ý xây dựng cho lực lượng công an; thăm hỏi cán bộ công an và thân nhân cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị./.

 

 

 

Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm