Cập nhật: 13/09/2009 01:12:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ và bất thường tại nhiều địa phương, trong đó có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Dịch đã bắt đầu chạm đỉnh tại một số địa phương do người dân lơ là. Và trong khi người người, nhà nhà “sợ” cúm A/H1N1 thì họ không biết rằng dịch sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong ở mức độ cao hơn.

Số ca mắc SXH bùng phát nhanh

 

Theo thông tin từ Cục y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), TP.HCM là một trong những điểm nóng nhất về sốt xuất huyết. Trong 8 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở TP. Hồ Chí Minh tăng 39 % so với cùng kỳ năm 2008, trong đó có 8 ca tử vong. Chỉ trong tháng 8, TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 1.500 ca bệnh, mỗi tuần có khoảng 300 ca SXH mới. Một số quận có số ca mắc SXH tăng cao là Quận 8, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Tân. Dự kiến trong 2 tháng tiếp theo, dịch SXH sẽ tiếp tục gia tăng do bước vào đỉnh mùa dịch.

 

Ngoài TP.HCM, các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn hẳn so với các năm phải kể đến Bình Định (tăng 355%), Phú Yên (tăng 569%), Quảng Ngãi (tăng 131%), Trà Vinh (tăng 241%), Kiên Giang (tăng 148%), …

 

Đáng lưu ý, tại Hà Nội, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao bất thường so với mọi năm. Trong 8 tháng đầu năm, Hà Nội có trên 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm 2008 và là năm có số mắc cao nhất trong 10 năm qua. Riêng trong tháng 8 đã có hơn 1.000 ca, đặc biệt trong những tuần gần đây có tới khoảng 50 ca nhập viện/ngày. Sốt xuất huyết tập trung tại các quận nội thành nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều lao động nhập cư và vệ sinh môi trường kém (như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai…). Ngoài ra, các huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa cao như Từ Liêm, Thanh Trì, dịch cũng bùng phát nhanh, mạnh.

 

Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ sốt xuất huyết tăng cao tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và tốc độ đô thị hóa. Tuy số ca mắc mới tăng cao đột ngột nhưng các ổ dịch vẫn ở quy mô nhỏ, có một số ổ dịch ở quy mô trung bình, rất may đến nay chưa bùng phát thành ổ dịch lớn. Trong đó ổ dịch tại thôn Triều Khúc (huyện Thanh Trì) có số bệnh nhân mắc cao nhất, với gần 150 người mắc.

 

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia cho hay, hiện một nửa bệnh nhân nằm viện là bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện quá tải không phải vì xét nghiệm, điều trị cúm A/H1N1 nữa mà chủ yếu quá tải trầm trọng do bệnh nhân sốt xuất huyết.

 

Sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong cao hơn cúm A/H1N1

 

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Dịch cúm A/H1N1 xuất hiện và lây lan mạnh đúng thời điểm giao mùa. Đây là quãng thời gian có khá nhiều các loại bệnh chuyển mùa xuất hiện, đặc biệt là sốt xuất huyết”.

 

Ông Nga cho rằng trong thời gian qua, dịch cúm A/H1N1 nhận được sự quan tâm “đặc biệt” của giới truyền thông, do đó vô hình đã khiến người dân phần nào “quên” đi dịch sốt xuất huyết cùng các bệnh khác cũng đang vào mùa. Và trong khi dịch cúm A/H1N1 “sôi sùng sục” thì dịch sốt xuất huyết đã âm thầm bùng phát.

 

“So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết cả nước đã tăng thêm 25%, số tử vong tăng 24%, tỷ lệ tử vong của sốt xuất huyết hiện nay cao gấp nhiều lần cúm A/H1N1”, ông Nga nói.

 

Do vậy, ông Nga cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương không được lơ là với các dịch bệnh khác xuất hiện song song với cúm A/H1N1. “Nếu không, số tử vong vì các bệnh này sẽ tăng cao đột biến”.

 

Điều đáng lo ngại là những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết cũng khá giống cúm A/H1N1. Do đó, nhiều người dân không nghĩ đến chuyện phải tránh sốt xuất huyết bằng cách mắc màn khi đi ngủ, tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

 

Ngoài ra, do chủ quan, rất nhiều người mắc bệnh đã không đến cơ sở y tế kịp thời và chỉ nhập viện khi đã có dấu hiệu mất máu, trụy mạch.

 

Trước tình hình đó, theo ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám và chữa bệnh, để chủ động và nâng cao chất lượng của công tác điều trị, giảm tỷ lệ biến chứng, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong do sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD), Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện, Viện; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức phổ biến và triển khai tập huấn "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue" tới tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân).

 

Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ công tác phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân SD/SXHD theo đúng "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue". Khi vượt quá khả năng cho phép, cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đồng thời phải ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng tại bệnh án chuyển tuyến.

 

Tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần bố trí nhân lực phù hợp để tiếp nhận bệnh nhân và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu, bảo đảm phân loại mức độ bệnh đúng để theo dõi sát, xử trí nhanh, chính xác các trường hợp SD/SXHD; thành lập "Nhóm điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue" để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong công tác điều trị chống dịch SD/SXHD. Chú trọng  tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị tích cực, kịp thời các trường hợp SD/SXHD./.

 

 

 Báo Điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm