Cập nhật: 15/10/2009 05:22:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều tối 13-10, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành, địa phương (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) chỉ đạo thực hiện nghiêm việc rà soát, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tất cả tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, thực hiện nghiêm ngặt lệnh cấm biển.

Công điện cũng yêu cầu sơ tán triệt để nhân dân khỏi vùng nguy hiểm do nước biển dâng và sóng lớn; sơ tán người từ nhà yếu sang nhà xây kiên cố, bêtông cốt thép; không để người ở chòi canh khu nuôi trồng thủy sản ngoài đê, trên tàu thuyền, lồng bè; chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương tiện thiết bị ở các bến cảng đảm bảo an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn để xử lý tình huống khi có yêu cầu.

Theo dự báo, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và vùng đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thuỷ triều cao từ 3 – 5 mét. Phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa; riêng các tỉnh ven biển có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.

 

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, tính đên thời điểm này:

 

Tại Thanh Hóa, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh (PCLB) cho biết, vào hồi 17h ngày 13/10, bão số 10 sau khi đi vào Vịnh Bắc Bộ không suy yếu thành áp thấp nhiệt đới như dự đoán ban đầu mà đã mạnh lên rất nhiều. Ban PCLB tỉnh đã khẩn cấp di dân tại 6 huyện ven biển có khả năng bão số 10 đổ bộ vào: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn, Tĩnh Gia. Việc sơ tán người già, trẻ nhỏ đang được tiến hành khẩn trương trước 21h tối nay (13/10). Tính đến 20h cùng ngày, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đưa hơn 8.000 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Ở các huyện miền núi - nơi có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở - chính quyền địa phương đã tập trung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra trong tâm bão. Theo Trung tâm dự báo khí tượng, thủy văn Trung ương, tối nay, cơn bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thanh Hóa. Tại Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 4.482 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, với 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt đã về nơi trú ẩn an toàn. Lãnh đạo các địa phương, ban ngành trên địa bàn tỉnh được yêu cầu túc trực 24/24h để sẵn sàng đối phó với lụt bão. Riêng tại tuyến đường QL7A đi qua các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, nhiều đoạn đường đang có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Ban CLB tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện miền núi Nghệ An tích cực lên phương án phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo tất cả các trường học chủ động, linh hoạt trong các phương án bảo vệ học sinh và trường lớp khi có mưa lũ xảy ra.

 

Tại Hà Tĩnh, bão đã đánh chìm 2 con tàu lúc 16h chiều nay. May mắn 10 thuyền viên trên 2 con tàu này thoát chết và đã bơi vào bờ an toàn. Đến 18h30 , tất cả tàu thuyền ở Hà Tĩnh đã được sơ tán vào bờ an toàn. Tại cảng Vũng Áng, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã giúp ngư dân đưa 331 tàu thuyền vào bờ trú đậu, trong đó có 7 tàu ngoại tỉnh. Trung tá Hoàng Viết Dũng, đồn trưởng đồn Biên phòng cảng Vũng Áng cho biết: Sau khi đưa các tàu thuyền vào bờ, chúng tôi đã phải đánh chìm 2 xà lan để đảm bảo an toàn chung. Theo ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban PCLB Hà Tĩnh, đến 18h cùng ngày, tất cả các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn.

 

Theo báo cáo nhanh của Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định, tại khu vực Ang, thuộc xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, một đoạn đê biển dài 15m bị sạt lở, mất 1/4 thân đê. Tại huyện Nghĩa Phụ, 150m kè cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Lực lượng địa phương và các cán bộ, chiến sĩ thuộc đồn Biên phòng 88 đang tiến hành khắc phục đoạn đê, kè bể và di dời 150 hộ dân với 561 nhân khẩu tại những khu vực trên vào vùng tránh bão.Trong cơn sóng to, 51 ngư dân quê ở Nghệ An đang đánh bắt cá trên vùng biển Ninh Cư cũng đã được Bộ đội biên phòng hướng dẫn neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn tránh cơn bão số 10, dự kiến sẽ quét qua Nam Định đêm nay. Ông Đặng Ngọc Thắng, Phó chánh Văn phòng Ban PCLB tỉnh Nam Định cho biết đã di dời 5.500 người dân ở huyện Giao Thủy, Hải Hậu đến nơi trú bão an toàn. Được biết, trong đêm 13/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lên đường đến huyện Hải Hậu để cùng lãnh đạo địa phương đưa ra phương án đối phó với cơn bão số 10.

 

Hà Nam: Trước tình hình cơn bão số 10 đột ngột mạnh lên và theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tâm bão đi qua tỉnh Nam Định, là tỉnh nằm liền kề, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Nam đã có công điện khẩn gửi các ngành, các địa phương trên địa bàn chủ động phòng chống bão để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão này có thể gây ra.

 

Từ đêm 13-10, tỉnh Hà Nam có mưa to đến rất to. Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêu hết nước để giữ diện tích cây vụ đông mới gieo trồng; các công ty khai thác công trình thủy lợi có kế hoạch chủ động bơm tiêu úng khi có mưa lớn, khơi thông các kênh mương nội đồng để không làm ảnh hưởng tới việc thoát nước. Hiện nay trên địa bàn còn khoảng hơn 2. 000 ha lúa mùa chưa gặt, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng tổ chức gặt và hỗ trợ việc gặt cho bà con. Ngoài ra, để chủ động đối phó với bão số 10, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Nam đã yêu cầu UBND, Ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố; điện lực tỉnh; các công ty khai thác công trình thủy lợi tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng.

 

Ninh Bình: Tỉnh Ninh Bình đang tập trung tối đa lực lượng túc trực phòng chống bão số 10 vùng biển Kim Sơn. Hiện đã có gần 1.000 người dân, người già, trẻ em vùng đê biển Bình Minh II được đưa đi sơ tán đến nơi an toàn. 100 tàu thuyền đánh cá với khoảng 240 lao động cũng đã được gọi lên bờ tránh bão. Huyện Kim Sơn đang có 1.000 ha lúa mùa thời chín rộ, ngày huyện đã huy động học sinh trên địa bàn xuống đồng giúp nông dân gặt được 700 ha. Số diện tích lúa còn lại hiện vẫn chưa chín và có khả năng mất trắng nếu mưa to. Ông Phạm Hồng Quảng, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Có khả năng rạng sáng 14-10, bão sẽ vào đất liền, huyện đang khẩn trương huy động lực lượng có mặt 24/24 giờ để giúp đỡ nhân dân thu hoạch hoa màu, bảo vệ vùng nuôi trồng thuỷ sản và canh đê biển đề phòng sạt lở.

 

Quảng Ninh: Tất cả các tàu thuyền đánh cá ngoài khơi vịnh Bắc Bộ và tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã được vào nơi trú ẩn an toàn, Giám đốc sở NN&PTNT kiêm phó trưởng ban phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Quảng Ninh Lê Đình Trầm cho biết. Theo ông Trầm, ngay từ đêm 12-10, ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ninh đã thành lập hai đoàn công tác khẩn cấp đi về các huyện Yên Hưng, Vân Đồn là những nơi dự kiến báo sẽ đổ bộ vào nhanh nhất, đồng thời chỉ đạo lực lượng “bốn tại chỗ” tại địa phương kịp thời gia cố những đoạn đê xung yếu. Ban chỉ huy PCLB-TKCN đã chỉ đạo tập đoàn TKV kịp thời thông báo cho các mỏ than chuẩn bị và di dời công nhân những điểm có nguy cơ ngập lụt. Tính đến 17g ngày 13-10, trên địa bàn thành phố Hạ Long đã có mưa lất phất và xuất hiện không khí lạnh hơn so với ngày bình thường.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

 

Tệp đính kèm