Cập nhật: 24/10/2009 05:54:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 22/10/2009, Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khoá XII tiếp tục làm việc. Các Đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận theo tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010.

Tại các tổ, các Đại biểu đều cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 là năm có rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả nước, tuy còn không ít hạn chế yếu kém, nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế đã thoát khỏi suy giảm và đạt tốc độ tăng trưởng khá (đạt cao nhất so với các nước trong khu vực), kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2010. Mặc dù vậy, trong năm 2009, chúng ta vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như : Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, hiện vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng. Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn. Kết quả cải cách hành chính vẫn còn thấp…

Chủ đề được hầu hết Đại biểu quan tâm thảo luận là Chính phủ cần xem xét lại các gói kích cầu nền kinh tế. Có cần thiết phải tiếp tục duy trì các gói kích cầu nữa hay không, nếu duy trì thì ở mức nào, thời hạn ra làm sao? hay chủ đề về cần thiết phải tái cơ cấu lại nền kinh tế để ngăn chặn tình trạng lạm phát có thể quay trở lại cũng được các Đại biểu quan tâm…

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam lược ghi một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội  trong phòng thảo luận và bên lề Quốc hội.

Ông Trần Du Lịch - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh : "Tôi cho rằng đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 ở mức 6,5% là hợp lý. Đề nghị nên xác định chỉ số tăng giá ở mức dưới 10% và bội chi ngân sách ở mức dưới 6%. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đề nghị đã đến lúc Chính phủ cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng cạnh tranh. Nói như vậy không có nghĩa là trước nay nền kinh tế của chúng ta không được tái cấu trúc. Mà nên hiểu là mỗi một thời kỳ đều phải tái cấu trúc lại nền kinh tế cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của thời điểm đó. Một trong những giải pháp để tái cấu trúc lại nền kinh tế lúc này là phải quan tâm tới các doanh nghiệp trong nước có nhiều "yếu tố dân tộc". Có nghĩa là Nhà nước quan tâm tạo điều kiện và cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tự sản xuất hàng trong nước phục vụ cho chính thị trường trong nước, rồi mới tiến tới xuất khẩu. Quan tâm phát triển và mở rộng các sản phẩm mang thương hiệt Việt Nam, cũng như những doanh nghiệp làm ra các sản phẩm đó…"

Ông Nguyễn Hữu Đồng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định : "Tôi cho rằng từ Trung ương đến các địa phương cần phải nghiêm túc khắc phục tình trạng các công trình, dự án mặc dù đã được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn không triển khai. Lý do là các doanh nghiệp, các nhà thầu "găm" vốn, chiếm dụng vốn để đến lúc sát nút thời hạn hoàn thành mới gấp rút thi công, gấp rút đầu tư ồ ạt… Chính điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát. Mặt khác, một khi nguồn vốn được đầu tư ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn, phát sinh hiện tượng anh nọ gây khó khăn cho anh kia, rồi xin cho, rồi tiêu cực nảy sinh…"

Ông Nguyễn Đăng Trường : Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh : "Tôi cho rằng các gói kích cầu đã phát huy được tác dụng rất tốt, giúp phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, theo tôi, riêng gói kích cầu thứ ba mặc dù cũng đã phát huy được tác dụng, nhưng chưa hết công suất. Bởi lẽ người nông dân chưa có nhiều cơ hội, điều kiện và những thông tin cần thiết để tiếp cận được với các nguồn vốn vay. Sang năm 2010 tôi đề nghị đã đến lúc nên dừng gói kích cầu thứ nhất và thứ hai vì nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là giúp đưa nền kinh tế ra khỏi cơn khó khăn. Nhưng riêng gói kích cầu thứ ba giành cho khu vực nông nghiệp nông thôn thì vẫn nên duy trì, thậm chí còn phải kéo dài thời gian hơn nữa. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện phải đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con nông dân, tạo điều kiện và giúp họ mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Có như vậy gói kích cầu này mới thực sự phát huy hiệu quả".

Ông Hoàng Minh Nhất - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang : Tôi đề nghị Chính phủ nên xem xét đưa ra đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho hợp lý (chỉ nên dưới 10%). Bởi lẽ nếu quá chạy theo tăng trưởng sẽ dẫn đến chỉ tập trung phát triển ở vùng đô thị, còn vùng nông thôn, vùng biên giới, hải đảo sẽ không theo kịp, làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Chính vì vậy Trung ương nên tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với vùng nông thôn, vùng cao biên giới và hải đảo… Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục quy hoạch lại việc khai thác khoáng sản. Hiện nay tình trạng khai thác và bán khoáng sản thô không qua tuyển luyện xảy ra quá nhiều làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên của đất nước…"

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm