Cập nhật: 03/11/2009 05:05:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôm nay (2/11), bão số 11 sẽ đổ bộ đất liền, sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác sơ tán dân cư và dự kiến hoàn thành trước 10h sáng nay.

Hồi 08 giờ sáng nay, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hoà khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 11 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km, đi vào đất liền sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Đến 20 giờ ngày 02/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc, 108,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Phú Yên – Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 2 – 4 mét. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Vẫn còn nhiều tàu thuyền trong vùng nguy hiểm

Trước diến biến phức tạp của bão, sáng nay Ban Chỉ đạo PCLBTW tiếp tục công điện khẩn số 63 hồi 5h ngày 02/11/2009 gửi Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và các Bộ, ngành liên quan yêu cầu triển khai khẩn cấp công tác sơ tán dân ra khỏi các nhà yếu, khu vực thấp trũng ven biển, cửa sông, neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, không để dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản khi bão vào.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đồn biên phòng tuyến biến từ Khánh Hoà đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hải đoàn 48, 18 triển khai các biện pháp đối phó với bão số 11; sử dụng hệ thống thông tin của đơn vị thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho tàu thuyền trên biển để chủ động phòng tránh bão; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 23 điểm ven biển; duy trì lực lượng 1.469 cán bộ chiến sĩ/154 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng phối hợp xử lý các tình huống.

Theo báo cáo số 285/BC-BTM của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, lực lượng biên phòng các tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho 18.175tàu/103.962 lao động hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Hiện nay số tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm cần quan tâm là: Quảng Ngãi 06 tàu/54 lao động hoạt động ven bờ, Bình Định còn 28 tàu.

Khẩn cấp triển khai sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm         

Ở các tỉnh ven biển tiếp tục có công điện chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo PCLBTW, các Bộ, ngành và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão; các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán dân cư tại những khu vực nguy hiểm ven biển đến nơi an toàn, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực sơ tán.

Quảng Ngãi: Sáng sớm nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã họp khẩn cấp triển khai công tác sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN đã có công điện khẩn số 30/CĐ-PCLB&TKCN hồi 5h30 ngày 02/11/2009 chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão, cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức sơ tán dân cư, chằng chống nhà cửa, kho tàng.

Bình Định: Sáng nay tỉnh đã cho học sinh nghỉ học đồng thời quyết định sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước 10h sáng nay.

Phú Yên: Sáng ngày 01/11 UBND tỉnh đã họp khẩn cấp chỉ đạo đối phó với bão, giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các Sở Nông nghiệp & PTNT, Giao thông vận tải, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trực tiếp kiểm tra, đôn đốc không cho tàu thuyền ra khơi, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền, không để người ở lại trên các lồng bè nuôi

trồng thuỷ sản; đảm bảo giao thông, an ninh trật tự; tổ chức sơ tán dân cư; chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng cứu.

Khánh Hoà: UBND tỉnh đã phân công các đồng chí lãnh đạo đi kiểm tra, đôn đốc tại các huyện ven biển từ 10h00 ngày 01/11; yêu cầu công tác sơ tán dân hoàn thành trước 20h ngày 01/11; cho học sinh nghỉ học trong ngày 02/11 và yêu cầu khách du lịch không ra ven biển khi có bão vào.

Ninh Thuận: UBND tỉnh tiếp tục có công điện khẩn hồi 15h ngày 01/11 chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền; sơ tán dân cư vùng có nguy cơ ngập nước, lũ quét, sạt lở đất; gia cố, chằng chống nhà cửa vùng ven biển; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông. Cho học sinh các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái nghỉ học ngày 02/11/2009.

Bình Thuận: Uỷ ban nhân dân tỉnh đã họp khẩn cấp hồi 15 giờ ngày 01/11/2009 và chỉ đạo triển khai một số biện pháp đối phó: Chuẩn bị phương án “4 tại chỗ”; phân công các thành viên Ban CHPCLB-TKCN trực tiếp xuống địa bàn đôn đốc, chỉ đạo; kêu gọi, đưa tàu thuyền vào bờ trước 9h00 ngày 2/11/2009; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và vật chất để di dời, sơ tán dân khi có lệnh của UBND tỉnh; giữ liên lạc với huyện đảo Phú Quý để kiểm tra, chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống.

Tính đến 21h ngày 01/11/2009, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán 7850 người (chủ yếu người già, trẻ em và phụ nữ) tại các khu vực thấp trũng ven biển, cửa sông, các nhà yếu. Hiện nay, các địa phương hiện đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác sơ tán dân cư và dự kiến hoàn thành trước 10h ngày 02/11/2009./

 

Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm