Cập nhật: 17/12/2009 03:21:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu(BĐKH) và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam sẽ góp tiếng nói mạnh mẽ để cùng với 192 nước trên thế giới đạt được mục tiêu của Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) đang diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch).

 

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa ra thông điệp nhấn mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giờ đây không còn là sự lựa chọn mà là bắt buộc. Cùng với sự nỗ lực của mỗi quốc gia, cần có sự hợp tác, phối hợp hành động chung trên phạm vi toàn cầu để thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách cả về giảm nhẹ và thích ứng. Việt Nam cho rằng, Nghị định thư Kyoto phải tiếp tục là văn bản pháp lý cơ bản trong đàm phán về biến đổi khí hậu, nhưng sẽ bổ sung thêm các điều khoản quy định cụ thể trách nhiệm của các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất hiện nay. Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên website chính thức của COP 15 đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị này. Đó là, tất cả các nước cần chung tay, góp sức bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất. Trong đó, các quốc gia phát triển cần có những hỗ trợ phù hợp về tài chính, chuyển giao công nghệ cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng, thông qua các cơ chế mới về tài chính, công nghệ và sử dụng Quỹ thích ứng của Liên hiệp quốc. Các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua xây dựng và thực hiện các Hành động quốc gia phù hợp nhằm giảm nhẹ khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và các ưu đãi về vốn, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển, các nguồn tài trợ quốc tế khác. Nếu những vấn đề về cơ chế tài chính được giải quyết thành công sẽ đảm bảo công bằng trong đóng góp giữa các quốc gia để ứng phó với BĐKH. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận với các quỹ tài chính, chuyển giao công nghệ để thích ứng và giảm thiểu tác động BĐKH đến cuộc sống của họ.

 

Ngoài ra, để giúp thế giới hiểu rõ hơn các nỗ lực của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt do tình trạng ấm lên toàn cầu và nước biển dâng, trong khuôn khổ hội nghị, Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên chủ trì, cùng với Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch đồng chủ trì hội nghị về rừng và tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với Anh, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Trung Quốc…

 

Qua các cuộc tiếp xúc này, Việt Nam hy vọng các nước sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn những khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, qua đó tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

 

Tại Hội nghị cấp cao lần này, Việt Nam đã cử đoàn chuyên viên đông nhất từ trước tới nay tới tham dự Hội nghị, gồm 26 người từ nhiều Bộ, ngành khác nhau. Trong thời gian diễn ra hội nghị, các thành viên đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động vào các cuộc họp, đặc biệt là cuộc họp của nhóm G77 và Trung Quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể cho dự thảo tuyên bố của nhóm, tái khẳng định quan điểm yêu cầu các nước phát triển có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính theo tinh thần Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đề xuất tham gia Nhóm đầu mối về giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy thoái rừng. Việt Nam hy vọng với sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, hội nghị lần này sẽ đạt được thỏa thuận về mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển và những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

 

Trong khuôn khổ COP 15, đoàn Việt Nam sẽ tham dự và trình bày báo cáo tại một số hội thảo bên lề với các nội dung như sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto, cam kết giảm phát thải sau năm 2012, các vấn đề tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ BĐKH…

 

Đặc biệt, tại diễn đàn quốc tế quan trọng này, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội thảo bên lề “Việt Nam ứng phó với BĐKH” hội thảo sẽ thu hút đại diện nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Hội thảo sẽ giới thiệu các hoạt động ứng phó với BĐKH của Việt Nam, một số dự án thử nghiệm ứng dụng công nghệ ứng phó với BĐKH, báo cáo về xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ II của Việt Nam về việc thực hiện Công ước khung về BĐKH…

 

 

Theo Báo điện tử   ĐCSVN

 

 

Tệp đính kèm