Cập nhật: 04/08/2010 22:57:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng với những tiềm năng và lợi thế to lớn cùng với quyết tâm và bước đi đúng đắn, quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi trong những năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, vì lợi ích chung của cả hai bên

Việt Nam và các nước châu Phi vốn có quan hệ hữu nghị đặc biệt, được hình thành trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của mỗi nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng yêu nước châu Phi đặt nền móng và chăm lo vun đắp từ những năm đầu thế kỷ 20.

 

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, nhân dân châu Phi luôn đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam, nhiệt thành ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần. Hình ảnh dân tộc Việt Nam đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là sự khích lệ to lớn đối với nhân dân các nước châu Phi.

 

Sau khi giành được độc lập, trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam và các nước châu Phi luôn quan tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi cả Việt Nam và các nước châu Phi đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác nhiều mặt, giúp đỡ nhau cùng phát triển, nâng cao vai trò, vị trí và sự ủng hộ của nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

 

Tăng cường quan hệ ngoại giao

 

Trong những năm qua, củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác truyền thống với các nước châu Phi đang từng bước trở thành một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta.

 

Sau thành công của Hội thảo Việt Nam - châu Phi lần thứ nhất với chủ đề "Việt Nam - châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI" tổ chức tại Hà Nội  tháng 5/2003 và thực hiện "Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004 - 2010", quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

 

Quan hệ đối ngoại của nước ta với châu Phi đang được tăng cường và mở rộng. Ðến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 51/54 quốc gia châu lục và đang thúc đẩy lập quan hệ ngoại giao với ba nước còn lại là Como, Malauy và Liberia.

 

Hiện Việt Nam có 9 cơ quan đại diện tại Algeria, Lybia, Ai Cập, Tazania, Angola, Nam Phi, Morocco, Nigeria và Mozambique. 8 nước châu Phi là Morocco, Algeria, Ai Cập, Nigeria, Nam Phi, Lybia, Sudan và Mozambique cũng đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.

 

Hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn, các chuyến thăm cấp cao; đặc biệt gần đây nước ta có các đoàn của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết,  Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thăm các nước châu Phi, và nhiều nhà lãnh đạo châu Phi, như Thủ tướng Morocco, Tổng thống Nigeria, Tổng thống CH Trung Phi, Thủ tướng Tanzania, Chủ tịch Quốc hội Algeria... đã thăm Việt Nam.

 

Các chuyến thăm cấp cao này đã góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi. 

 

Trong chuyến thăm chính thức Algeria và Tunisia hồi tháng 4/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tận mắt chứng kiến sự phát triển, tiềm năng của các nước bạn cũng như cảm nhận sâu sắc sự quý trọng, ngưỡng mộ mà lãnh đạo và nhân dân các nước này dành cho đất nước, con người Việt Nam và tình cảm thật đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta.

 

Trong các buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước, lãnh đạo hai nước trên đều nhắc đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ tạo động lực thôi thúc nhân dân các nước châu Phi đứng lên giành độc lập dân tộc.

 

Tổng thống Algeria, với tình cảm cá nhân vô cùng thân thiết với Việt Nam, nhiều lần khẳng định mối quan hệ giữa hai nước là "truyền thống, thủy chung, chân thành, mẫu mực" và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng quan hệ Việt Nam - Algeria nói riêng, Việt Nam - châu Phi nói chung hướng tới quan hệ đối tác thật sự bền vững, hiệu quả, thiết thực trên từng lĩnh vực cụ thể.

 

Bên cạnh ngoại giao nhà nước, Ðảng, Quốc hội, các hoạt động giao lưu đoàn thể, diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - châu Phi, Hội Hữu nghị Việt Nam - châu Phi và trao đổi văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo... cũng diễn ra sôi động, góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, tạo cơ sở cho việc tăng cường quan hệ ở những giai đoạn tiếp theo.

 

Thông qua các chuyến thăm, Việt Nam và các nước châu Phi đã ký kết trên 70 văn kiện, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, giáo dục, y tế, đầu tư, giao thông vận tải, văn hóa, du lịch…

 

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại

 

Với Việt Nam, tuy chưa có những điều kiện kinh tế - tài chính làm đòn bẩy cho hợp tác với châu Phi, nhưng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các bạn châu Phi kinh nghiệm trong xoá đói, giảm nghèo, thông qua tất cả những hình thức hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp...

 

Bạn bè châu Phi tìm thấy ở Việt Nam một người bạn, một đối tác tin cậy và chân tình. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế như FAO, Diễn đàn hợp tác Á - Phi (NAASP) và nhiều nước châu Phi chọn làm hình mẫu để học tập và làm đối tác trong mô hình hợp tác hai bên, ba bên ở châu Phi.

 

Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia châu Phi. Kim ngạch thương mại tăng nhanh qua từng năm, từ 360 triệu USD năm 2003 lên 2 tỷ USD năm 2008, gấp đôi mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động 2004 – 2010. Đặc biệt, trong năm 2009, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại Việt Nam – châu Phi vẫn đạt 2,07 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang châu Phi 1,56 tỷ USD giá trị hàng hóa và nhập khẩu 510 triệu USD.

 

Cùng với các dự án hợp tác ba, bốn bên truyền thống (Việt Nam - FAO - Pháp - Mali; Việt Nam - Nam Phi - Guinea Xích đạo, Việt Nam - Nhật Bản - Mozambique...) đang triển khai hiệu quả và được đánh giá cao. Việt Nam đã chủ động từng bước xây dựng và hình thành các trọng điểm hợp tác và đối tác ưu tiên tại châu Phi.

 

Trong đó chú trọng đẩy mạnh các hình thức hợp tác song phương, như triển khai liên doanh dầu khí với Algeria, Tunisia, Madagasca, Ai Cập, Angola, Lybia...; hợp tác nông nghiệp, bưu chính-viễn thông, chuyên gia, năng lượng với Angola, Mozambique; hợp tác lao động với Lybia, thăm dò khả năng hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi, dầu khí với Sudan.

 

Những triển khai này sẽ là cơ sở thực tế để ta xây dựng định hướng chiến lược hợp tác với châu Phi trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2011 đến 2020.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, trong những năm tới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt, hiệu quả với châu Phi sẽ là hướng triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

 

“Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng với những tiềm năng và lợi thế to lớn cùng với quyết tâm và bước đi đúng đắn, quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa Việt Nam - châu Phi trong những năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, vì lợi ích chung của cả hai bên”- Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh.

 

Hội thảo Quốc tế Việt Nam – Châu Phi lần 2 với chủ đề “Việt Nam – Châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội từ 17 – 19/8 sẽ là cơ hội tốt để các bên đánh giá lại hiện trạng hợp tác kinh tế thời gian qua và bàn các biện pháp tạo đột phá trong hợp tác Việt Nam - châu Phi trên các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, thương mại, năng lượng và lao động... nhằm xác định mô hình hợp tác thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới”./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm