Thủ tướng Benjamin Netanyahu: Israel sẽ thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm nhằm đạt được hoà bình trên cơ sở tất cả các nước cần phải công nhận Israel là nhà nước của người Do Thái.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh cần phải công nhận Israel là nhà nước của người dân Do Thái. Phát biểu trong cuộc họp chính phủ đầu tuần ngày 29/8, ông Netanyahu nói rằng Israel sẽ thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm nhằm đạt được hoà bình trên cơ sở tất cả các nước cần phải công nhận Israel là nhà nước của người Do Thái. Sự công nhận này hỗ trợ thoả thuận nhằm kết thúc xung đột.
Ông Netanyahu cũng lặp lại khẳng định đàm phán trực tiếp với Palestine ở Washington vào ngày 2/9 tới không điều kiện tiên quyết, đồng thời yêu cầu Palestine thực hiện nghiêm túc và trung thực nhằm đạt được thoả thuận hoà bình.
Trong khi đó, một quan chức của đoàn đàm phán Palestine cho biết: “Thủ tướng Israel tiếp tục đề xuất những gì ông muốn. Nhưng chúng tôi đại diện cho người dân Palestine để giải quyết vấn đề dân tộc. Cuộc đàm phán này nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản nhằm hỗ trợ cho các quyền của người Palestine như quyền trở về vùng đất năm 1967, cũng như kết thúc vấn đề chiếm đóng vùng đất của chúng tôi, cũng như thực hiện việc xây dựng nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem.
** Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 29/8 cảnh báo ông sẽ không quay trở lại bàn đàm phán để bắt đầu tiến trình đàm phán hoà bình mới với Israel nếu nước này không từ bỏ kế hoạch xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 29/8, Tổng thống Abbas khẳng định: “Chính phủ Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán nếu tiếp tục xây dựng và mở rộng các khu định cư Do Thái trên phần đất của người Palestine đã được phân định rõ ràng ở Đông Jerusalem”.
Cho đến nay, dưới áp lực của Mỹ, Israel đã ra quyết định tạm hoãn các hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái, nhưng phía Palestine yêu cầu phải dỡ bỏ hoàn toàn và ngay lập tức.
Với các nỗ lực hoà đàm trung gian của Mỹ, các cuộc đối thoại khởi động cho các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức vào tuần này với sự tham gia của lãnh đạo 3 bên tại thủ đô Washington (Mỹ). Tuy nhiên, giới quan sát không quá lạc quan về các cuộc gặp này. Bởi hiện nay cả Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Abbas đều đang phải đối mặt với sự phản đối và áp lực từ trong chính nội bộ của mình.
** Trong khi đó, các quan chức Israel cho biết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cứ 2 tuần một lần, sau khi đàm phán hòa bình giữa hai bên được nối lại vào tuần tới. Ông Netanyahu sẽ đưa ra đề xuất này với Tổng thống Palestine, khi cuộc đàm phán trực tiếp do Mỹ làm trung gian, chính thức nối lại vào thứ 5 tới tại Washington sau gần 2 năm gián đoạn.
Đề xuất của Thủ tướng Israel dường như cho thấy, ông rất nghiêm túc về các cuộc đàm phán và sẽ không cho phép thất bại sau cuộc họp vào tuần tới tại Mỹ. Trưởng đoàn đàm phán Palestine Erekats cho biết, ông chưa được nghe về đề xuất trên nhưng sẽ cởi mở với ý tưởng này.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hamas tại Gaza, ông Haniya lên án việc nối lại đàm phán trực tiếp, đồng thời kêu gọi tẩy chay hoạt động này. Cũng ngày 29/8, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ không tham gia vào cuộc đàm phán và người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton sẽ có mặt tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào thời điểm đó./.
Theo vovnews.vn