Đồng chí Lê Thị Thanh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Vĩnh Tường cho biết: Liên tục từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường không để xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là dịch cúm gia cầm luôn tiểm ẩn. Một phần do ý thức của các hộ chăn nuôi vẫn còn tư tưởng chủ quan. Mặt khác tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện khá lớn khoảng trên 599.000 con (tính đến tháng 10 năm 2008).
Ngay sau khi nhận được kế hoạch số 03/UBND-NN3 ngày 02-1-2009 của UBND tỉnh về việc triển khai phòng chống rét cho vật nuôi và vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Vĩnh Tường đã xây dựng kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi và vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi nhằm bảo vệ đàn vật nuôi và ngăn chặn không để dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn. UBND huyện giao cho Trạm Thú y huyện (với vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện) chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành chứuc năng liên quan, các cấp uỷ Đảng, chính quyền của 29 xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các biện pháp chống rét cho vật nuôi và tích cực vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi theo đúng kế hoạch, đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật… Đến nay, theo báo cáo của Trạm thú y huyện công tác phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện Vĩnh Tường đã được hoàn thành.
Về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi. Trạm thú y huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp &PTNT chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan về tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là cúm gia cầm, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ có thể bùng phát dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm của huyện. Mặt khác Trạm thú y huyện cũng đã gửi công văn yêu cầu các xã, thị trấn tích cực phối hợp với Trạm chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như: phân công cán bộ xã xuống các thôn, xóm tiến hành kiểm tra, theo dõi, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình chăn nuôi nhằm phát hiện sớm tình hình dịch bệnh có thể nảy sinh. Tập trung rà soát, quản lý theo dõi chặt các đàn gia súc, gia cầm mới nhập vào địa phương và số gia cầm cũ chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt II năm 2008. Các xã, thị trấn chủ động điều tra và lên danh sách thống kê toàn bộ số gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng bổ sung tháng 3 năm 2009 và tiêm phòng đợt 1 năm 2009. Các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để mọi tầng lớp nhân dân và người chăn nuôi trên địa bàn chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình…
Đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch cúm gia cầm đã và đang được các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và nhân dân trên toàn huyện Vĩnh Tường đẩy mạnh thực hiện nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ xuất hiện dịch bệnh gia súc, dịch cúm gia cầm có thể xảy ra trên địa bàn.
Ngô Tuấn Anh