Cập nhật: 14/04/2009 15:25:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

ND - Quyết định số 131/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh là một trong những biện pháp kích cầu kịp thời. Tuy nhiên, một hướng kích cầu rất quan trọng nữa cần được chú ý đó là kích cầu hướng vào nông nghiệp, nông thôn, sẽ tạo ra được nhiều nhu cầu về sản xuất và nâng cao đời sống của người dân ở vùng nông thôn.

Hơn 70% dân số của tỉnh Quảng Trị sống ở nông thôn. Nhờ những thành tựu của công cuộc đổi mới, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn đã có những cải thiện đáng kể.

 

Thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn hai lần so với năm 2000. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân giai đoạn 2000 - 2005 là 2,8%/năm, giai đoạn 2006 - 2008 là 3,8%/năm. Những thống kê gần đây cho thấy, ngày càng nhiều thêm hộ nông dân có thu nhập cao, có tích lũy. Hiện toàn tỉnh, 85% số hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố và nhà gỗ vững chắc; 52% số hộ có xe máy, 80% số hộ có ti-vi và các phương tiện nghe nhìn khác, khoảng 3% số hộ có máy vi tính... Nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ngành nghề ở nông thôn cũng được chú trọng đầu tư mua sắm và số lượng gia tăng khá nhanh trong thời gian gần đây, chứng tỏ cơ giới hóa đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Mặt khác, mức độ cơ giới hóa ngày càng tăng góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, giải phóng sức lao động, tạo điều kiện để phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất ở địa bàn nông thôn Quảng Trị là 55%, khâu thu hoạch gần 20%, khâu vận chuyển nông sản là 45%, xay xát lúa gạo và nghiền thức ăn gia súc khoảng 95%...

 

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra ở khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Trị là vốn đầu tư cho nhu cầu phát triển còn chưa tương xứng với giá trị sản lượng thu nhập và có xu hướng giảm từ 25,2% năm 2000 xuống còn 16% so với những năm gần đây. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của người nông dân đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng lại vô cùng lớn và có xu hướng tăng dần qua các năm. Ngoài các kênh tín dụng lâu nay đã sát cánh cùng nông dân và được nông dân tin cậy như hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân... trong thời điểm khó khăn chung như hiện nay, người nông dân đang trông chờ vào sự kích cầu của Chính phủ để cùng toàn xã hội vượt qua khủng hoảng tài chính, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội trên một vùng kinh tế trọng yếu, căn bản là nông nghiệp và trên một địa bàn rộng lớn, có dân số đông là nông thôn. Qua những số liệu điều tra của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho thấy, ở lĩnh vực tiêu dùng, hộ có xe máy làm phương tiện đi lại, buôn bán, làm ăn và một số ít trong đó đảm nhận chức năng là phương tiện hành nghề dịch vụ vận chuyển ở khu vực nông thôn hiện chỉ chiếm 52%. Tương tự, hiện có đến 20% số hộ dân ở nông thôn chưa có ti-vi. Như vậy, nhu cầu mua sắm mới loại phương tiện đi lại và nghe nhìn này hiện còn khá lớn, đó là chưa kể một lượng không nhỏ vật dụng hiện có đã xuống cấp, không bảo đảm chất lượng, cần thay thế. Ðối với nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ngành nghề, toàn tỉnh hiện vẫn còn 45% khâu làm đất, vận chuyển nông sản, 80% khâu thu hoạch triển khai theo lối thủ công. Ðây là một hướng kích cầu tiêu dùng nông thôn rất chính đáng và cần được quan tâm.

 

Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Hoàng Văn Quang cho biết: Nhu cầu của những hộ nông dân có điều kiện (về nhân lực, sức khỏe, học vấn, nghề nghiệp, trình độ am hiểu thiết bị cơ khí, có chí hướng làm ăn lớn...) mua sắm nông cụ để cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề (xay xát lúa gạo, làm bánh, bún, cưa xẻ gỗ...) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy năng suất lao động, hạ giá thành, đem lại thu nhập cao là khá lớn. Cản trở duy nhất đối với người nông dân khi muốn sở hữu các loại nông cụ này là...vốn! Vì thế rất cần vốn kích cầu để tạo điều kiện cho nông dân vươn lên làm giàu.

 

Hiện nay, hệ thống mạng lưới thương mại và dịch vụ nông thôn ngày càng phát triển rộng khắp với nhiều hình thức linh hoạt, phong phú, góp phần quan trọng trong lưu thông hàng hóa, giải quyết ngày càng tốt hơn cả "đầu vào" lẫn "đầu ra" cho sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Ðến nay, ở khu vực nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có hơn 50 xã có chợ, cùng hàng nghìn điểm thu mua nông sản, bán lẻ hàng hóa vật tư phát triển rộng khắp ở hầu hết các thôn, xóm, bản, làng trong tỉnh. Ðây chính là "địa chỉ" lý tưởng để kích cầu tiêu dùng nếu Nhà nước áp dụng các phương thức hợp lý, khả thi. Một lĩnh vực nữa hiện rất cần đến sự kích cầu của Nhà nước, đó chính là hệ thống kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 284 HTX nông nghiệp, thủy sản và hơn 1.000 tổ kinh tế hợp tác các loại. Những năm qua, nhiều HTX đã vươn lên làm ăn hiệu quả, thể hiện tính ưu việt của loại hình kinh tế này trong cơ chế thị trường. Hoạt động của HTX và tổ hợp tác đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển, tạo thêm việc làm mới, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép cấp, ép giá, thao túng của tư thương ở nông thôn. Tuy nhiên, một số lượng lớn trong số HTX và tổ kinh tế hợp tác hiện vẫn đang thiếu vốn lưu động trầm trọng. Số trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 957 trang trại, tăng 1,8 lần so với năm 2000. Nhiều trang trại đem lại thu nhập cao, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, góp phần tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Quá trình phát triển kinh tế trang trại cũng góp phần thúc đẩy kinh tế hộ nông dân chuyển dịch từ hình thức sản xuất hàng hóa nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, quy mô và hiệu quả cao hơn. Ðây là một lĩnh vực cần quan tâm thúc đẩy, hỗ trợ từ phía Nhà nước bởi chính những lợi ích to lớn mà nó mang lại, nhất là nguồn vốn cho vay để đầu tư, phát triển.

 

Có dịp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của một số chủ nhiệm HTX nông nghiệp và nông dân trong thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng, họ đang đặt rất nhiều hy vọng vào chính sách kích cầu của Nhà nước cho khu vực nông thôn, nông dân. Nếu Nhà nước trao đồng vốn kích cầu lãi suất hợp lý cho nông dân vay để đầu tư vào sản xuất, mua sắm nông cụ, phát triển trang trại, mở mang ngành nghề, dịch vụ, củng cố kinh tế HTX, tổ kinh tế hợp tác và có cơ chế để nông dân được mua hàng hóa tiêu dùng với giá cả hợp lý, chất lượng cao thì sẽ tạo một động lực lớn trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm, kích thích đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.

 

 

 

Nguyên Văn Hai - Tâm Thanh

Tệp đính kèm