Từ năm 2007 đến nay, trên thị trường Việt Nam mặt hàng sữa liên tục tăng giá, đặc biệt là sữa ngoại. Một điều không bình thường hiện nay là nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm, trong khi đó giá sữa trong nước đặc biệt là sữa ngoại lại đang tăng giá. Hiện nay sữa ngoại ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực (gấp 2 lần so với Thái Lan, và 1 lần so với Malaysia).
TS Hồ Tất Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: chính tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại nhập đắt tiền và tâm lý hàng đắt tiền luôn là tốt của người Việt Nam đã ảnh hưởng đến giá cả thị trường sữa.
Những thông tin trên vừa được đưa ra trong Hội thảo “Người tiêu dùng chọn sữa thông minh” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện các doanh nghiệp chế biến sữa, các nhà khoa học, đông đảo người tiêu dùng cùng các cơ quan truyền thông báo đài.
Giá sữa ngoại cao vì… phải cõng nhiều chi phí
Theo các chuyên gia, các hãng sữa bột nhập ngoại rất chú trọng đến quảng cáo, tiếp thị, thu hút sự quan tâm và tạo niềm tin cho bằng nhiều chiêu thức, hình ảnh mang tính khoa học: như uống sữa tăng chiều cao, thông minh hơn, học giỏi hơn… Họ đã bỏ rất nhiều tiền cho hoạt động này. Năm 2008, các nhãn sữa ngoại đã chi khoảng 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và chi phí lớn hơn (khoảng 60-70 triệu USD) cho các hoạt động PR, hội thảo khoa học, hoa hồng tiếp thị….. Chính vì vậy thị phần sữa bột ngoại đã chiếm 80% (riêng hãng Abbott chiếm hơn 30%).
Tuy nhiên, tình hình giá sữa trên thị trường, đặc biệt là giá sữa ngoại hiện nay chưa phản ánh đầy đủ mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người nông dân nuôi bò sữa, doanh nghiệp chế biến, nhập khẩu và người tiêu dùng. Việc giá sữa bột trên thị trường liên tục tăng từ năm 2007 đến nay và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực; Trong khi thuế nhập khẩu năm 2008 đã giảm, giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh, việc có sự chênh lệch quá lớn giữa giá sữa bột ngoại nhập và sản xuất trong nước với mức chất lượng tương đương là hiện tượng không bình thường.
Có thể thấy, giá sữa ngoại đắt tiền là phải do chịu rất nhiều chi phí cộng thêm giá vận chuyển, phí lưu kho, thuế nhập khẩu thành phẩm, chí phí nhân công lao động tại nước ngoài, sự trượt giá giữa đồng tiền Việt Nam và đồng ngoại tệ, chi phí quảng cáo rất cao mà các hãng sữa ngoại chi ra để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Các chi phí này được các nhãn sữa ngoại đẩy ngược lại vào giá bán tới tay người tiêu dùng và người tiêu dùng là người phải gánh chịu nhiều nhất, trong khi chất lượng của sữa ngoại chưa chắc đã vượt trội hơn so với các mặt hàng sữa nội trong nước cũng cùng sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa nội khi được phép lưu hành đã phải trải qua một quá trình kiểm tra rất gắt gao để bảo đảm là hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn về chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
Cần có một công thức sữa đặc thù với nhu cầu dinh dưỡng của người VN
Đáng chú ý là mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một môi trường sống và chế độ dinh dưỡng rất khác nhau nên không thể có một công thức sữa nào phù hợp cho tất cả mọi người. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng năm 2007, 33,9% số trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Khoảng 30% trẻ bị thiếu kẽm, 34% thiếu sắt. Vì thế cần thiết phải có một công thức sữa đặc thù phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam.
Theo báo cáo tham luận của đại diện Viện Dinh Dưỡng tại hội thảo: Trong quá trình tìm kiếm một công thức sữa đặc thù nằm trong khuôn khổ của “Hợp tác nghiên cứu về dinh dưỡng đặc thù cho người Việt Nam” giữa Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk và Viện Dinh Dưỡng, Viện đã tiến hành một nghiên cứu lâm sàng trên 560 trẻ nhằm so sánh hiệu quả của công thức sữa nội (cụ thể là Dielac Alpha 123) với các công thức sữa ngoại. Kết quả đã cho thấy nhóm trẻ sử dụng sữa nội phát triển tương đương về mặt chiều cao và phát triển hiệu quả hơn về mặt cân nặng. Điều này một lần nữa chứng minh rằng công thức sữa ngoại có thể tốt cho trẻ ở nước khác, nhưng chưa chắc đã phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam.
Là nhà sản xuất sữa và các sản phẩm sữa hàng đầu tại Việt Nam, Ông Trần Bảo Minh – Phó Tổng Giám đốc đại diện cho Công ty Vinamilk cũng đã khẳng định lại cam kết của mình đối với người tiêu dùng là: luôn mang đến những sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng đặc thù cho người Việt và phù hợp với thu nhập của người Việt Nam thông qua sự hợp tác toàn diện với Viện Dinh Dưỡng nhằm tìm kiếm những công thức sữa tối ưu. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng bảo đảm sử dụng những nguồn nguyên liệu tốt nhất để sản xuất với dây chuyền và công nghệ hiện đại không thua kém các quốc gia khác. Điều này thể hiện rõ được sự quan tâm của một doanh nghiệp đối với các vấn đề xã hội, cụ thể là chiến lược nâng cao tầm vóc Việt do Chính phủ phát động
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã kiến nghị, đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng Nhà nước phải bình ổn giá và kiểm soát về giá; Tiến hành thanh tra tài chính về giá các cơ sở sản xuất và nhập khẩu sữa, nghiên cứu điều chỉnh thuế xuất nguyên liệu không làm ảnh hưởng giá sữa thành phẩm trên thị trường; Tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sữa, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sữa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các tổ chức xã hội khác sẽ tham gia xây dựng Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam, điều tra khảo sát chất lượng, vệ sinh an toàn, tham gia kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng sản phẩm sữa thích hợp cho người Việt Nam.
Theo HNM