Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã bất ngờ tăng giá đồng loạt trong vài ngày qua, tùy mặt hàng nhưng mức tăng phổ biến từ 5-15%, cá biệt có nhóm hàng tăng 17-18% so với trước.Và lý do tăng giá được đưa ra cũng rất quen thuộc: nguyên liệu đầu vào tăng, lương điều chỉnh. Mặc dù đợt tăng giá này không diễn ra ồ ạt như năm 2008 nhưng việc giá tăng trong thời điểm sức mua vừa nhen nhóm tăng đã tạo áp lực lên các nhà bán lẻ.
Do nguyên liệu đầu vào?
Sáng 19-5, tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhiều bà nội trợ đã phát hoảng khi người bán rau cho biết giá rau các loại tại sạp đều tăng từ 3.000 đồng trở lên. Trong đó, rau muống tỉa lá giá 5.000 đồng/bó, cải 4.000 đồng/bó, mồng tơi 3.000 đồng/bó… Những loại rau thời vụ như xà lách, ngò thì tăng nhiều hơn.
Theo giải thích của người bán hàng thì thời tiết mưa nắng thất thường khiến lượng rau hư hỏng nhiều, chi phí vận chuyển tăng, trong khi sức mua thấp khiến giá bán lẻ chênh lệch khá mạnh với chợ đầu mối. Cụ thể 1kg cà chua tại chợ đầu mối chỉ 2.000 đồng nhưng về chợ lẻ lên đến 8.000 đồng. Vào siêu thị, bó rau muống đã lên 6.500 đồng, các loại rau củ như bắp cải, cải thảo, bông cải trắng... đều tăng bình quân 500-3.000 đồng/kg.
Bà Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức), cho biết giá các loại rau Đà Lạt đã nhích lên nhiều tuần qua dù lượng rau về chợ ổn định. Bình quân mỗi mặt hàng nhích từ 500-2.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại các siêu thị, giá nhiều mặt hàng cũng đồng loạt tăng. Bà Bùi Hạnh Thu - phó tổng giám đốc phụ trách khối mua Saigon Co.op - cho biết từ trước lễ 30-4 siêu thị đã nhận nhiều đơn hàng xin tăng giá. Nguyên nhân được các nhà cung cấp ghi trong thông báo tăng giá là do giá nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí nhân công, vận chuyển, tỉ giá… Trong đó hàng nhập khẩu tăng từ 2-10%, hàng nhựa gia dụng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa tăng 5-15%, một số nhóm hàng tăng 17-18%.
Tương tự, ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc Citimart, cho biết giá mặt hàng hóa mỹ phẩm của một số nhãn hiệu bán chạy đã tăng 5-10%, như nước xả vải tăng 10%, nước rửa chén tăng 5%, thức uống dinh dưỡng lên 10%, riêng đến đầu tháng 6 dầu gội đầu cũng sẽ điều chỉnh.
Cần nỗ lực giữ giá
Theo giám đốc một công ty nhựa, việc tăng giá các sản phẩm bán lẻ luôn có độ trễ nhất định với biến động giá nguyên liệu. Vì vậy, khi giá nguyên liệu giao dịch trên sàn thế giới tăng mà giá hàng bán lẻ tăng theo ngay lập tức là bất hợp lý.
Chẳng hạn từ trước tết đến nay giá nguyên liệu nhựa PE, PP đã từ 14.000 lên 22.000 đồng/kg nhưng đến bây giờ nhà sản xuất mới tăng giá là phù hợp. Trong khi đó, những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu trên thế giới như dầu ăn, thức ăn chăn nuôi, chất tẩy rửa… mới bắt đầu tăng từ hơn một tháng gần đây thì không thể tăng giá ngay lập tức, chưa kể lượng hàng tồn trong kho.
Ông Lương Vạn Vinh, tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho rằng giá nguyên liệu đầu vào của sản phẩm hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa tăng từ 10-15% nhưng hiện nay nhà sản xuất mới bắt đầu mua vào nên chưa thể tính đến việc tăng giá sản phẩm bán ra.
Ông Vinh cho rằng phần lớn những sản phẩm tăng giá hiện nay đều là những thương hiệu lớn trên thị trường do dành nhiều chi phí cho quảng cáo, quản lý nên chịu áp lực doanh số rất lớn. Vì vậy, ngay khi sức mua thị trường có dấu hiệu hồi phục, họ nhanh chóng đón đầu bằng các đợt tăng giá.
Trong khi đó, ông Lý Ngọc Minh, giám đốc gốm sứ Minh Long 1, cho biết nếu doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm hao hụt nhiên liệu thì vẫn giữ được giá bán lẻ. Để tránh thất thoát, Minh Long 1 đã sử dụng lại lượng men trong quá trình sản xuất, những sản phẩm lỗi, hư không bỏ phí mà chuyển đổi chức năng...
Tương tự, ông Bùi Duy Đức, tổng giám đốc Vissan, cho biết Vissan vẫn sẽ giữ giá trong thời gian tới cho dù giá heo hơi đang tăng trở lại. “Thời điểm này nhà sản xuất cần nỗ lực giữ giá bằng các biện pháp giảm chi phí phát sinh, cho ra những sản phẩm có giá thành hợp lý. Doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong trường hợp phải giảm lãi” - ông Đức nói.
TP.HCM: chỉ số CPI tháng 5 tăng 0,58%
Theo Cục Thống kê TP.HCM, hầu hết các nhóm hàng tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,58% so với tháng trước. So với đầu năm, chỉ số giá có mức tăng 2,47%.
Trong đó nhiều nhóm hàng tăng trên 1% như nhóm giao thông, bưu chính - viễn thông (tăng 2,08%), nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng (tăng 1,37%), nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 1,17%). Các nhóm khác có mức tăng nhẹ dưới 1% như nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%, nhóm hàng ăn tăng 0,34%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,48%.
Góp phần đẩy CPI tăng mạnh trong tháng này là giá vàng với mức tăng 0,2%, giá USD có mức tăng đến 1,96%.
Riêng nhóm văn hóa giải trí và du lịch có mức giảm 0,14%.
Theo Tuổi Trẻ