Các ngân hàng thương mại liên tiếp tăng lãi suất, mức 10% đã xuất hiện. Việc tăng lãi suất liên tiếp đang đẩy các ngân hàng vào thế khó khi chênh lệch đầu vào và đầu ra còn rất ít và không đủ đảm bảo kinh doanh có lãi.
Chạm ngưỡng 10%
Trong tuần qua, Ngân hàng An Bình (ABBANK) đã triển khai hai sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất lên tới 9,99%/năm. Để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng có thể chọn một trong hai hình thức, đó là “tiết kiệm tỷ phú” với số tiền gửi tối thiểu là 999 triệu đồng, kỳ hạn 369 ngày hoặc “tiết kiệm phú quý” với số tiền gửi tối thiểu là 99 triệu đồng trong 900 ngày.
Trong khi đó, Ngân hàng Nam Việt đã đẩy lãi suất huy động lên 10%. Đây là mức cao nhất trên thị trường hiện nay. Mức lãi suất này áp dụng cho khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng.
Theo thông báo của HDBank, từ ngày 16/6, ngân hàng này sẽ áp dụng biểu lãi suất huy động VND mới, theo hướng tăng thêm tập trung cho các kỳ hạn trên 12 tháng, cho cả sản phẩm tiết kiệm thông thường và tiết kiệm “siêu lãi suất”.Mức lãi suất cao nhất tại HDBank từ thời điểm trên là 10,1%/năm, ở kỳ hạn 36 tháng. Đây là mức cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại.
Thực tế, trong khi lãi suất cơ bản vẫn ở mức 7% và cho vay ra tối đa được khống chế là 10,5% nên việc các ngân hàng đẩy lãi suất lên sát trần lãi suất cho vay khiến cho không ít người lo ngại tái diễntình trạng như thời kỳ khủng hoảng thanh khoản cách đây hơn 1 năm khi lãi suất cho vay tối đa là 21% và lãi suất huy động được đẩy lên 19 - 20%.
Hơn nữa, với khoảng cách lãi suất hiện nay, nếu xét riêng kinh doanh tín dụng thì chắc chắn các ngân hàng không thể có lãi. Mặc dù qua phân tích các chuyên gia đều cho rằng, không hề có dấu hiệu nào của khả năng thiếu thanh khoản nhưng nhiều người vẫn thận trọng khi cho rằng, hiện các ngân hàng thương mại đều nhận thấy khó có thể cân bằng giữa lãi suất cho vay và huy động.
Giải thích về điều này, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc Tế (VIB) nói rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2009 rất chậm, sang đến tháng 5 tốc độ tăng trưởng rất nhanh cộng với yếu tố thị trường chứng khoán đang tăng mạnh nên nhu cầu vốn VND cũng tăng cao.
"Thay vì nằm trong ngân hàng, một luồng vốn đã được đổ vào những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng... Đầu ra bắt đầu tăng lên nên các ngân hàng đã điều chỉnh lại lãi suất huy động cho hợp lý. Để bù lại phần chênh lệch khi tăng lãi suất huy động mà không giảm được lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ tìm ở các nguồn khác như cho vay tiêu dùng cũng là một kênh tốt tạo ra lợi nhuận.
Ngân hàng tự làm khó mình
Với mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay rất hẹp như trên, ngân hàng khó lòng bù đắp nổi chi phí hoạt động để đảm bảo có lãi. Vậy, về dài hạn, vấn đề quyết định hiệu quả của những quyết định nâng lãi suất là việc Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất cơ bản hay không.
Thực tế, các ngân hàng cũng kỳ vọng, trong bối cảnh lạm phát có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới, rất có thể lãi suất cơ bản sẽ tăng lên và biên độ lãi suất cho vay sẽ mở rộng ra. Việc huy động lãi suất trung dài hạn cao của các ngân hàng thương mại hiện nay như là một hành động đi trước.Tuy nhiên,đấy mới chỉ là kỳ vọng chủ quan của ngan hàng thương mạivà đến thời điểm này, chưa có thông tin nào cho thấy lãi suất cơ bản sẽ tăng, thậm chí còn có thông tin đề xuất giảm tiếp.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang có ý kiến từ phía Chính phủ và doanh nghiệp trong việc hạ tiếp lãi suất cơ bản nhằm giảm tiếp lãi suất cho vay, khuyến khích tiếp cận tài chính, giúp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã đệ trình lên Chính phủ giữ nguyên lãi suất cơ bản nhằm tránh phá vỡ cơ cấu vốn, làm suy yếu cấu trúc tài chính.
Chính vì vậy, trong bối cảnh Chính phủ và doanh nghiệp đang muốn hạ lãi suất cơ bản thì đề xuất bãi bỏ trần lãi suất đối với cho vay doanh nghiệp có thể gây ra phản ứng tiêu cực. Và ưu tiên hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng giữ lãi suất cơ bản ở mức 7%.
Như vậy, với việc nâng cao lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại đang tự làm khó mình khi đầu vào chi phí lớn mà khoảng nới đầu ra lãi suất chưa có bất cứ tín hiệu nào khả quan. Chính vì thế, Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh hiện đang có mức tăng lãi suất rất thấp cho biết: "Trong điều kiện hiện nay, kế sách khôn ngoan nhất là các ngân hàng thương mại phải bám sát vào tín hiệu của Ngân hàng Nhà nước mà điều chỉnh chính sách tín dụng của mình cho hợp lý, không nên quá kỳ vọng chủ quan".
Trong khi đó, thực tế cho thấy, dù đã nâng lãi suất nhưng việc huy động vốn của các ngân hàng cũng chưa hẳn đã khả quan. Một số ngân hàng cho biết, dù lãi suất huy động đã được tăng thêm nhưng vẫn chưa hấp dẫn được người gửi.Kỳ hạn ngắn vẫn được khách hàng lựa chọn. Khách gửi tiền kỳ dài hạn không nhiều trong khi các ngân hàng thương mại lại đang thiếu vốn dài hạn.
Bên canh đó, việc huy động vốn dài hạn sẽ thêm khó bởi thị trường chứng khoán và bất động sản trên thực tế đều đang ấm lên.
Theo VNN