Sự tham gia của Việt Nam vào mô hình liên kết kinh tế Đông Á đã giúp duy trì được xu hướng phát triển tiếp sau khủng hoảng và giảm rủi ro trong cạnh tranh, đặc biệt đối với các nền kinh tế chậm phát triển trong khu vực. Bản thân các nền kinh tế chậm phát triển sẽ thu hẹp được khoảng cách với các quốc gia phát triển đi trước. Tuy nhiên, mức chênh lệch vẫn giữ khoảng cách khá lớn để các quốc gia đi trước cảm nhận được sự an toàn.
Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN nói riêng và cộng đồng kinh tế Đông Á nói chung. Là một trong 4 thành viên kém phát triển (Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar), Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của sự tăng cường liên kết kinh tế Đông Á. Với hệ thống chính trị ổn định, chính sách kinh tế mở, tăng trưởng nhanh, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút các nhà đầu tư thế giới. Việt Nam đã tham gia mạng lưới sản xuất khu vực Đông Á nhưng mới ở giai đoạn đầu. Chuỗi liên kết trong giá trị toàn cầu còn yếu. Theo ông Daisuke H – Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu phát triển JETRO – Việt Nam cần giảm bớt chi phí kết nối dịch vụ để kết nối các khối sản xuất riêng rẽ. Chi phí kết nối dịch vụ có thể được giảm bớt bằng cách xóa bỏ thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt trong thủ tục hải quan, thuận lợi hóa và phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần. Chi phí mạng lưới có thể được cắt giảm bởi các khu công nghiệp và các dịch vụ đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư để họ có thể tính toán ngay được chi phí thành lập doanh nghiệp.
Xét về triển vọng liên kết Đông Á thì nhóm nước kém phát triển hơn này có 2 đặc điểm nổi bật: Thứ nhất, năng lực và trình độ phát triển của nhóm nước này còn hạn chế. Thứ hai, nhóm nước kém phát triển hơn này hiện vẫn đang phải giải quyết các mối quan hệ kinh tế nội bộ còn lạc hậu. Vì vậy, đối với các nước này rất khó thậm chí không thể tham gia vào hệ thống phân chia lao động trong khu vực như đã cam kết bình đẳng với các nước thành viên khác. Các nền kinh tế này đang phải đối diện với những cản trở trong việc nâng cao vị thế của mình. Vì vậy, Việt Nam cũng như các nước thành viên còn lại cần phải thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách thị trường của mình và tiếp tục tham gia nhiều hơn nữa vào tiến trình liên kết khu vực. Điều này đòi hỏi phải có sự quyết tâm trong việc thực hiện chiến lược của mình. Bên cạnh đó, cần có sự ủng hộ vững chắc, đủ mạnh từ bên ngoài. Tất cả chỉ nhằm mục đích thúc đẩy cải cách thị trường và liên kết với nền kinh tế khu vực. Các chương trìnnh phát triển trong khu vực (chương trình phát triển hành lang kinh tế ASEAN) có cả sự tham gia của cả 4 quốc gia kém phát triển sẽ giúp tạo tiền đề tăng trưởng nhanh hơn cho toàn khối.
Đối với Việt Nam, khối ASEAN mạnh sẽ vô cùng quan trọng trong việc thiết lập cơ sở cho sự liên kết khu vực và với nền kinh tế thế giới. Việt Nam cần có chiến lược chung đặc thù dựa trên cơ sở phân định rõ ràng những lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội có được nhờ sự liên kết. Qúa trình liên kết đang được thúc đẩy cùng với tăng cường hợp tác với Mỹ và các nền kinh tế phương tây bởi vì thiết lập được quan hệ với các quốc gia phát triển sẽ đem lại những lợi ích quan trọng trước mắt và lâu dài cho Việt Nam. Vai trò của Mỹ trong phát triển Đông Á chính là ở chỗ, liên kết kinh tế Đông Á sẽ không thể thành công nếu như Mỹ không có sự tham gia. Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng quyết định triển vọng của quá trình liên kết. Nhiệm vụ của chính phủ Việt Nam là ưu tiên trước hết cho quá trình liên kết ASEAN. Ngay khi chọn được đối tác chiến lược, Việt Nam sẽ tìm cách thu hút đầu tư quốc tế và mở rộng thị trường của mình để nâng cao vị thế cạnh tranh. Việt Nam cần phải thể hiện được vai trò dẫn dắt trong việc ủng hộ và tham gia vào cải tổ cơ cấu hệ thống phân chia lao động trong khu vực dựa trên nguyên tắc chuỗi cung ứng. Cả 4 quốc gia kém phát triển này cùng với nhóm các thành viên cũ ASEAN phải cùng nhau tạo dựng chiến lược phát triển kinh tế hiệu quả cho toàn khối. Việc thực hiện thành công chiến lược này sẽ giúp Việt Nam và ASEAN có đuợc bước đột phá quan trọng trong cạnh tranh sản xuất và công cuộc cải cách thể chế.
Việt Nam là điển hình của các nền kinh tế kém phát triển của ASEAN và Đông Á. Vì vậy, thách thức đối với Việt Nam là rất lón. Trao đổi và hợp tác kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc thường theo xu hướng thứ ba (Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thô và các sản phẩm tới Trung Quốc để thu lợi nhuận). Trong khi Việt Nam thặng dư xuất khẩu với hầu hết các nền kinh tế phát triển (châu Âu, Nhật Bản, Mỹ) thì Việt Nam lại thặng dư nhập khẩu với Trung Quốc - một nền kinh tế đang phát triển. Điều này dường như là một nghịch lý đối với Việt Nam - một quốc gia đã có quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mọi cố gắng đều được thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển vói các nước khác trên thế giới. Để đạt được lợi ích phát triển lâu dài, sự lo lắng của Việt Nam về thặng dư nhập khẩu trong thương mại với Trung Quốc chính là ở chỗ sự phân chia lao động giữa 2 nền kinh tế. Việt Nam chuyên môn hoá trong việc cung cấp nguyên liệu, dầu thô và các sản phẩm nông nghiệp sơ chế sang Trung Quốc. Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp có công nghệ trung bình sang Việt Nam. Khả năng cho rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể đều hướng tới mô hình bắc – nam cần tính tới. Việt Nam có thể sẽ bị mắc vào bẫy tiền lương thấp và là nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc. Tình hình đó sẽ rất bất lợi đối với Việt Nam và các nước kém phát triển khác, nhưng đống thời nó cũng ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích phát triển của Trung Quốc, tới quá trình liên kết kinh tế Đông Á và triển vọng phát triển kinh tế của khu vực.
Trong mô hình liên kết kinh tế ASEAN nổi lên 3 yếu kém sau: 1) thiếu khả năng liên kết theo cách ASEAN, thể hiện là sự tự nguyện, tính trung thành và không can thiệp (noninterference); 2) thiếu chủ thể có khả năng tổ chức và giám sát các mối liên hệ giữa các quốc gia trong khu vực để khắc phục mọi cản trở của mỗi quốc gia; 3) thiếu lực lượng dẫn dắt của một quốc gia đáng tin cậy. Mặc dù vậy, ASEAN cũng có những điều kiện thuận lợi để đảm đương vai trò lãnh đạo trong quá trình liên kết kinh tế Đông Á, thể hiện ở ba khía cạnh sau: Thứ nhất, ASEAN có vị trí thuận lợi trong điều hòa lực lượng quốc tế Đông Á. Với nguồn tài nguyên phong phú, kinh tế phát triển nhanh, có vị trí chiến lược quan trọng, ASEAN trở thành đối tượng cạnh tranh tích cực với các nước lớn Đông Á và giành được sự hưởng ứng của các nước lớn trong việc đề xướng hợp tác Đông Á; Thứ hai, ASEAN chú trọng thúc đẩy chiến lược cân bằng với các nước lớn, đã và đang xây dựng quan hệ song phương tốt đẹp với các nước lớn ở Đông Á và trên thế giới. Với chiến lược này, ASEAN đã tận dụng được những lợi thế phát triển, khéo léo phát huy tác dụng lấy nhỏ kéo lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo đuổi vị trí lãnh đạo hợp tác khu vực Đông Á; Thứ ba, ASEAN đã giành được những thành tựu to lớn trong hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh…ở khu vực Đông Á, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hợp tác khu vực. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN theo đuổi vị trí dẫn đầu hợp tác khu vực Đông Á.
Theo ĐCSVN