Cập nhật: 08/07/2009 22:48:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá bán lẻ sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở nước ta đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới.

Nguyên nhân của hiện tượng này và câu hỏi làm thế nào để “kéo” giá sữa thành phẩm nhập khẩu xuống đã được đặt ra tại hội thảo “Giá sữa và vấn đề kiểm soát” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa tổ chức.

Cạnh tranh mạnh, nhưng giá vẫn cao

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, hiện nay trên thị trường nước ta có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đây là một con số không nhỏ để tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành sữa. Nhưng trong khi giá sữa nguyên liệu trên thế giới liên tục giảm thì giá sữa trong nước vẫn tăng cao, đặc biệt là đối với các loại sữa bột nguyên hộp nhập khẩu.

 

Cuộc khảo sát về giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu của các hãng như Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, XO… tại nước ta với các nhãn sữa cùng loại được bày bán tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Indonexia, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiến hành mới đây đã cho thấy: so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonexia, giá sữa nhập khẩu của Việt Nam nhìn chung là cao hơn từ 20-60%, cá biệt có trường hợp còn cao hơn từ 100-150%.

 

Lý giải nguyên nhân, ông Vũ Công Chính, Phó cục trưởng Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) cho rằng, sở dĩ giá sữa tại Việt Nam cao hơn so với các nước trên thế giới là do sản lượng sữa trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu, hơn 70% còn lại là nhập khẩu.

 

Với cơ cấu sản xuất và nhập khẩu như trên, thị trường sữa ở Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả thậm chí cả phương thức mua bán.

 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước vẫn có xu hướng lựa chọn sữa nhập khẩu với tâm lí sữa ngoại nhập tốt hơn sữa nội. Trong khi sữa bột sản xuất trong nước hoàn toàn dùng nguyên liệu nhập ngoại.

 

“Tuy nhiên, giá sữa bột thành phẩm nhập khẩu đang cao hơn so với giá sữa sản xuất trong nước từ 1,44 - 2,3 lần như hiện nay là không hợp lý. Giá nguyên liệu trên thế giới đang giảm mạnh nên giá thành phẩm không thể giữ ở mức cao”, ông Chính cho biết thêm.

Còn ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội thì cho hay: qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn, riêng mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em, chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ là rất lớn. Cụ thể sữa Enfa Grow A+  của công ty Mead Johnson loại 900g chênh lệch tới 242%, sữa Dugro Gold loại 800g của công ty Dumex chênh lệch 285%, sữa Gain, Pedia Sure, Ensure của công ty Abbott loại 400g chênh lệch 220 - 246%.

 

Quảng cáo đang gây rối loạn thị trường?

 

Theo ông Dũng, với khoản chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối đã chuyển số tiền này sang quảng cáo,  khuyến mại, hội thảo để không phải nộp thuế mà còn góp phần xúc tiến thương mại và cạnh tranh trên thị trường.

 

Sự xuất hiện quá nhiều của các thông tin quảng cáo về các loại sữa đã khiến người tiêu dùng “mất phương hướng” khi lựa chọn sản phẩm. “Nhiều loại sữa được quảng cáo với những hình ảnh phóng đại như uống sữa vào thì thông minh, cao lớn vượt trội đã khiến nhiều người có tâm lý phải mua sữa ngoại mới là “đẳng cấp” và yêu con”, bà Phạm Thanh Tuyên, đại diện cho Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ nói.

 

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, thực ra rất khó để so sánh giá giữa các loại sữa với nhau vì chúng không dựa trên cùng một công nghệ sản xuất cũng như thành phần chế biến.

 

Thêm vào đó, có những hãng sữa đã có bề dày cả trăm năm nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị của các đối tượng khách hàng, nên sản phẩm của họ phải giá bán có cao hơn so với những sản phẩm khác. Họ xứng đáng có được điều đó, nếu không được người tiêu dùng tín nhiệm chắc chắn họ sẽ không thể tồn tại và phát triển.

 

Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là các cơ quan chức năng cần phải có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hoạt động quảng cáo tiếp thị sản phẩm không lành mạnh. Bên cạnh đó, bản thân nhà sản xuất cũng như các cơ quan quản lý cần minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể chủ động trong quyết định và lựa chọn của mình.

 

 

Theo Thời Báo KTVN

Tệp đính kèm