Cập nhật: 10/07/2009 22:00:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy, kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn hậu khủng hoảng với nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế hiện là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.

 

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn; song đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế và phục hồi đà tăng trưởng. Đó là nội dung cuộc hội thảo "Các giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu" do 4 cơ quan văn phòng: TƯ Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch nước phối hợp tổ chức ngày 9-7 tại Hà Nội.

 

Thách thức vẫn ở phía trước

 

Theo nhận định của Văn phòng Quốc hội, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam với nhiều chỉ tiêu bị sụt giảm mạnh, trong khi đó, thâm hụt ngân sách năm 2009 dự kiến sẽ tăng cao do Chính phủ thực hiện các chính sách chống suy giảm kinh tế. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ thực hiện; đặc biệt là sau khi đưa ra các gói kích thích kinh tế, tình hình KT-XH đã thay đổi tích cực. Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm.

 

Theo các chuyên gia, còn rất nhiều khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời kỳ hậu suy thoái. Theo ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn hậu khủng hoảng, nguy cơ tái lạm phát rất lớn, bởi cùng với đà phục hồi kinh tế, giá cả trên thị trường thế giới sẽ tăng cao. Thêm vào đó, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng tại nhiều quốc gia do các nước triển khai các gói kích thích kinh tế khổng lồ sẽ dẫn tới nguy cơ tái lạm phát trên toàn cầu. Hoạt động thương mại, dịch vụ thời gian tới sẽ rất khó khăn. Mặt khác, suy thoái kinh tế đã khiến các quốc gia chuyển hướng từ chú trọng xuất khẩu sang phát triển thị trường nội địa. Nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch công khai hoặc trá hình đã được áp dụng, khiến thương mại thế giới gặp trở ngại. Lượng hàng tồn kho thời khủng hoảng sẽ được các quốc gia ồ ạt tung ra để tận dụng thời cơ phục hồi, khiến cạnh tranh thương mại càng gay gắt. Ông nhận định, nếu Chính phủ không có những biện pháp hỗ trợ thích hợp (phù hợp với cam kết WTO), Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng nhập siêu tăng cao.

 

Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ dự báo, khủng hoảng tài chính có thể khiến nước ta rơi vào tình trạng thiếu vốn cho quá trình phát triển KT-XH, bởi trước đây, nước ta thường dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài để đáp ứng cho quá trình tăng trưởng. Sau khủng hoảng, tính bất định của kinh tế thế giới tăng cao khiến nhà đầu tư quốc tế có xu hướng rút vốn về các nước phát triển. Thu hút FDI của Việt Nam dự kiến sẽ sụt giảm.

 

Phát huy lợi thế để phục hồi đà tăng trưởng

 

Sau khi trải qua giai đoạn được các chuyên gia nhận định là "đáy" suy giảm, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định KT-XH. Đây chính là lợi thế để nước ta tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, thu hút đầu tư và phục hồi đà tăng trưởng. Ông Đinh Văn Ân nhận xét, cuộc khủng hoảng sẽ đem lại cho chúng ta một "khoảng lặng" cần thiết để đánh giá lại mô hình phát triển kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng của nước ta vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nhà nước, tận dụng lợi thế cạnh tranh xuất khẩu với những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng thấp… Để bắt kịp tiến trình phát triển của thế giới, chúng ta cần nỗ lực học hỏi. Từ những thất bại của các quốc gia đi trước, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm quý để hoàn thiện mô hình phát triển mà không phải chịu tổn phí cao.

 

 Về phía DN Việt Nam, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cũng là cơ hội thử thách khả năng thích nghi của DN. Trước đây, các DN xuất khẩu mới đi theo trào lưu thương mại chung và tận dụng khả năng cạnh tranh, chưa thực sự quan tâm đến quản trị, đầu tư công nghệ và đào tạo lao động. Thời kỳ hậu khủng hoảng với áp lực cạnh tranh cao sẽ buộc DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Để nhanh chóng giúp DN vượt khó, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn đã nêu nhiều kiến nghị đáng chú ý. Theo ông, muốn phát triển vững thời hậu suy thoái, cần có sự gắn kết chặt chẽ của 4 "nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và người dân. Mối liên hệ này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi, hỗ trợ kinh tế phát triển. Ông kiến nghị Chính phủ tăng cường các chuyến công du tới những thị trường tiềm năng, qua đó giúp DN có cơ hội quảng bá sản phẩm. Để phát triển thị trường xuất khẩu, vai trò của Bộ Công thương, đặc biệt là đội ngũ tham tán thương mại rất quan trọng. Cần tăng cường đối thoại giữa tham tán với DN, đồng thời, Bộ Công thương cần có chính sách khen thưởng thích đáng với các tham tán hoàn thành tốt nhiệm vụ…

 

Hội thảo cho thấy Việt Nam đã và đang có những thuận lợi cần phát huy để tiếp tục vượt qua thách thức. Tích cực khắc phục yếu kém; nỗ lực cải cách, hoàn thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… là những giải pháp hữu hiệu, giúp kinh tế Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng.

 

 

Theo HNM

 

Tệp đính kèm