Cập nhật: 11/07/2009 16:48:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chất lượng sữa và hàm lượng, thành phần các chất dinh dưỡng của sữa là tiêu chí để người tiêu dùng so sánh và lựa chọn giữa sữa nhập khẩu và sữa sản xuất trong nước. Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng lựa chọn sữa ngoại với tâm lý sữa ngoại tốt hơn sữa nội. Thế nhưng ít ai biết rằng, sữa bột sản xuất trong nước cũng dùng nguyên liệu hoàn toàn là nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đến nay, hơn 70% nguyên liệu sản xuất sữa trong nước đều phải nhập khẩu. Riêng với mặt hàng sữa bột thành phẩm sản xuất trong nước thì sử dụng nguyên liệu nhập khẩu 100%. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra tại thị trường sữa Việt Nam là sữa bột nhập khẩu thành phẩm thường cao hơn sữa bột sản xuất trong nước 2-3 lần. Một hộp sữa 900g cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi của Công ty Vinamilk giá khoảng 111 nghìn đồng/hộp và của Công ty sữa Cô gái Hà Lan là 127 nghìn đồng/hộp. Trong khi đó, một hộp sữa bột 900g nhập khẩu của Công ty Abbott giá 183 nghìn đồng, cao gấp 1,44-1,76 lần giá sữa của hai công ty trong nước nêu trên; hộp sữa của hãng Dumex giá 255 nghìn đồng/hộp, cao gấp 2-2,3 lần. Giá sữa bột nhập khẩu tại thị trường Việt Nam không chỉ cao hơn giá sữa do các công ty Việt Nam sản xuất, mà còn cao hơn cả một số nước trong khu vực. Kết quả khảo sát của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho thấy, so với các nước đang phát triển như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn từ 20% đến 60%, có trường hợp cao hơn tới 100% - 150%. Chẳng hạn, tại Việt Nam, giá sữa Enfa Grow 3 A+ của hãng Mead Johnson cao hơn ở Thái-lan 60%; giá sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng Dumex cao hơn các nước Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a 100% - 150%...

 

Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn TP Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một số loại sữa bột nhập khẩu ở Việt Nam có mức giá bán lẻ cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu. Chẳng hạn sữa Enfa Grow A+ của công ty Mead Johnson loại 900g có mức chênh lệch giá nhập và giá niêm yết là 242%; sữa Dugro Gold loại 800 g của Công ty Dumex chênh lệch 285%; sữa Gain, Pedia Sure, Ensure... của Công ty Abbott loại 400g chênh lệch 220-246%. Theo Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Vương Trí Dũng, giá sữa cao với chất lượng cao có thể chấp nhận do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Nhưng giá sữa cao do chênh lệch giá cao, trong khi Nhà nước lại không thu được đồng thuế nào, người tiêu dùng bị mua sữa với giá cao thì cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét.

 

Mặc dù giá sữa nhập khẩu cao như vậy nhưng nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn chọn mua loại sữa này chỉ vì tâm lý hàng ngoại tốt hơn hàng nội. Nhiều bà mẹ khi chọn mua sữa cho con thường không đọc kỹ thành phần trên nhãn, không quan tâm đến chất lượng các loại sữa mà chỉ đơn giản thấy loại sữa này con mình chịu uống, dễ uống là chọn mua. Phó Chi cục trưởng Vương Trí Dũng cho rằng, cơ quan quản lý chất lượng, cơ quan y tế phải có trách nhiệm giúp người tiêu dùng thấy được các chất trong sữa có tác dụng gì, có thể bổ sung các chất ngoài sữa như thế nào, thể trạng nào thì cần chất gì... Cung cấp rộng rãi những thông tin này sẽ giúp người tiêu dùng có giải pháp lựa chọn loại sữa phù hợp cũng như không để các doanh nghiệp có cơ hội quảng cáo quá mức các chất bổ sung trong sữa, làm mê hoặc người tiêu dùng cũng như làm cơ sở tăng giá bán liên tục, giúp người tiêu dùng phân biệt sự chênh lệch giá vô lý mà mình phải trả...

 

Cùng chung quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Ðồng Tâm (Nutifood) Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn rộng rãi cho người tiêu dùng các kiến thức cần thiết, cơ bản về dinh dưỡng, hiểu rõ hơn cách thức đo lường, đánh giá sản phẩm cũng như các quy định về công bố sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn các sản phẩm sữa có chất lượng tốt, phù hợp chi phí hợp lý. Việc quan niệm sữa ngoại tốt hơn sữa nội là một quan niệm cần phải xem xét lại. Bởi vì trên thực tế, dù là sữa sản xuất trong nước hay sữa nhập khẩu đều sử dụng nguyên liệu chính là sữa bột nhập khẩu từ các nước như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hà Lan... Về thành phần dinh dưỡng cơ bản, các loại sữa nội và ngoại đều giống nhau. Tuy nhiên, do sữa ngoại có thương hiệu nên chính chiến lược xây dựng thương hiệu của các hãng sữa ngoại đã làm tăng giá bán sản phẩm. Ðồng thời, sữa nội do đóng gói trong nước nên chi phí sản xuất rẻ hơn, dẫn đến giá thành sẽ rẻ hơn.

 

Nhiều năm qua, chúng ta cố chứng minh các loại sữa sản xuất trong nước và nhập khẩu khác nhau không nhiều về chất lượng, chỉ khác nhau về giá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quyết định chọn mua loại sữa nào còn có cả yếu tố hình thức sản phẩm bắt mắt, mùi vị khi uống, tâm lý yên tâm khi sử dụng... Bởi vậy, để người tiêu dùng Việt Nam chọn mua sữa nội, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trong nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, xây dựng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, kỹ thuật, bác sĩ để luôn đưa ra được những sản phẩm có công thức tốt nhất đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dinh dưỡng... Doanh nghiệp trong nước cũng cần nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm, khẳng định tên tuổi và uy tín doanh nghiệp trong lòng người tiêu dùng.

 

 

Theo ND

Tệp đính kèm