Theo thống kê của Công ty CBRE, trong thời gian qua có rất nhiều vụ chuyển nhượng dự án BĐS của các nhà đầu tư trong nước.
Có thể kể ra: Công ty cổ phần kỹ thuật Việt rao bán cao ốc 10 tầng trên khu đất 4.350m2 ở đường Võ Văn Tần (Q.3,TP.HCM) với giá 8 triệu USD. Vị trí vàng này ngay lập tức được Công ty CP đầu tư và sản xuất Nam Long Bitexco mua lại.
Tương tự, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng BĐS Hòa Bình cũng tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 2.700 m2 đất đã được phê duyệt làm cao ốc văn phòng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) cho Công ty Đông Dương với với giá 11,9 triệu USD.
Tại Đà Nẵng, dự án có quy mô gần 16 ha của tập đoàn Raffles đã được Công ty Vincom mua lại với giá 70 USD mỗi m2… Tuy nhiên, không phải công ty nào khát vốn cũng tìm được đối tác ưng ý. Rất nhiều công ty rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì triển khai dự án thì không có vốn mà tìm đối tác chuyển nhượng dự án thì không được.
Trong hội thảo “Khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển thị trường BĐS” tổ chức đầu tuần qua tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp BĐS vẫn có thói quen dựa vào nguồn vốn quen thuộc là từ kênh ngân hàng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, khách hàng (thông qua hợp đồng góp vốn)… Tuy nhiên, tùy từng thời điểm mới có thể huy động vốn từ các kênh truyền thống này. Thời điểm hiện tại, huy động vốn từ các kênh ấy là không dễ nên nhiều doanh nghiệp phải tìm cách rao bán dự án. Đã không ít trường hợp dự án tốt nhưng bị ép giá vì doanh nghiệp không còn tìm được vốn để triển khai trong khi áp lực trả lãi ngân hàng đè nặng. Câu hỏi đặt ra là: kênh huy động vốn nào phù hợp với các doanh nghiệp BĐS trong hoàn cảnh hiện nay?
Theo đại diện của ThuDuc House, các doanh nghiệp nên chuyển sang mô hình cổ phần để tiếp cận nguồn vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Đây là cách mà ThuDuc House cùng một số doanh nghiệp khác đã làm khá hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.
Một số ý kiến lại cho rằng, doanh nghiệp nên phát hành trái phiếu gắn liền với quyền mua bất động sản. Cách này Sacomreal đã làm với một số dự án và thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ uy tín để phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn thông qua chứng khoán. Ý kiến khác cho rằng cần phải có một quỹ tín thác đầu tư BĐS, cách mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng. Quỹ này có thể được dùng để cho vay, có thể mua cổ phần đầu tư từ các dự án hay mua lại các khoản nợ chứng khoán được đảm bảo bằng BĐS. Còn nhà đầu tư có thể ủy thác cho công ty quản lý quỹ quyền đầu tư vốn vào BĐS để kiếm lời.
Thị trường BĐS có tầm quan trọng rất lớn trong nền kinh tế, cần được kích hoạt để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là phải biết cách giải cơn khát nguồn vốn cho thị trường một cách thông minh.
Thanh Niên Online