Sau những phiên trồi sụt của thị trường vừa qua, diễn biến giá một số cổ phiếu khiến người ta không khỏi nghi ngờ đã có động thái làm giá bằng kỹ thuật giao dịch của các NĐT lớn.
Diễn biến giá của CP GMD là một minh chứng. Ngày 23/9, CP này vẫn tiếp tục được giao dịch ở mức giá trần 117.000 đồng/CP với gần 2 triệu CP đã tăng trần liên tiếp 5 ngày trước đó. Bất ngờ, vào cuối phiên, khoảng ba đến bốn trăm nghìn CP được đổ ra bán tháo ở mức giá sàn, khiến GMD đóng cửa ở mức giá sàn 107.000 đồng/CP. Tổng kết ngày 23/9, khối lượng đặt mua GMD vẫn lớn hơn khối lượng đặt bán 340.000 CP. Do vậy, nếu muốn bán được GMD, NĐT không nhất thiết phải đặt giá sàn. Trong bối cảnh đó, giá GMD được thị trường đánh giá ít nhất lên 120.000 đồng/CP, thậm chí vọt lên 150.000 đồng/CP. Như vậy, nếu dìm giá CP GMD xuống, hôm sau NĐT lớn có thể mua gom CP này ở mức giá thấp hơn mức giá trần ngày 23/9, nếu GMD đóng cửa ở mức giá trần.
Nhưng thị trường điều chỉnh, giá CP này sau đó tiếp tục bị bán tháo khá mạnh, đẩy GMD về khoảng 94.000 đồng/CP. Ngày 6/10, sau thời gian giao dịch ở mức giá 94, 95, 96 nghìn đồng/CP, cuối phiên lại một khối lượng lệnh mua lớn được đẩy vào đưa giá CP GMD đóng cửa ở giá trần 98.000 đồng/CP và tăng trở lại trên 100.000 đồng/CP trong 2 phiên sau đó.
Một trường hợp khác là CP HSG. Hai phiên cuối tuần trước, HSG chủ yếu giao dịch ở mức giá 59.000 đồng đến 60.000 đồng/CP trong phiên khớp lệnh liên tục. Phiên thứ Sáu, trên bảng điện luôn hiện một lượng dư mua cả trăm nghìn CP HSG từ mức giá 58.500 đồng/CP trở xuống. Còn bên bán thì dư bán cả trăm nghìn CP giá 60.000 đồng trở lên. NĐT nào thực sự muốn mua bán thì đặt giá 59.000 đồng/CP hoặc đặt giá chờ 59.500 đồng/CP. CP HSG đã có hai phiên đóng cửa ở mức giá 59.000 đồng/CP. Xét về cơ bản, giá CP HSG 60.000 đồng/CP tương đương P/E dự kiến 2009 là 9,5 lần. Nhưng cuộc dàn binh giữa bên mua và bán liệu có liên quan đến kế hoạch HSG dự định phát hành CP riêng lẻ giá 60.000 đồng/CP. Phải chăng thị giá của HSG từ 60.000 đồng trở xuống sẽ có lợi trong đàm phán cho bên muốn mua? Còn một nhóm NĐT khác lại sẵn sàng hốt vào HSG ở giá 58.500 đồng trở xuống ở thời điểm này cho mục tiêu đầu tư.
Việc đẩy giá CP lên hay xuống vẫn thường diễn ra. Khi muốn đẩy giá, bên mua thường quét hết ba mức giá đặt bán đầu tiên để hiện lên khối lượng ở các mức giá thấp. Nếu khối lượng hiện lên thấp và không thấy có dấu hiệu bên bán tiếp tục đặt lệnh để che giá, bên mua có thể quét hết lệnh còn lại và đặt thêm lệnh lớn để tạo ra dư mua lớn. Trường hợp bán dìm giá thì cũng tương tự. Thông thường, mục tiêu dìm giá CP xuống là để sau đó mua vào khối lượng CP lớn hơn, giá rẻ hơn. Còn khi đẩy giá lên là để mau chóng bán ra.
Các kỹ thuật làm giá này là lợi thế của NĐT lớn trên thị trường và việc này cũng đem đến cho họ cả lợi nhuận cũng như rủi ro thua lỗ, mất hàng. Bởi không ai thắng được thị trường, mà phải nương theo thị trường.
Theo ĐTCK-online