Trong năm vừa qua, Việt Nam có 76.000 doanh nghiệp đăng ký mới và vốn của khu vực tư nhân và dân doanh chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp chia sẻ gánh nặng về vốn khi khu vực đầu tư nước ngoài suy giảm.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, vai trò của hàng chục nghìn doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ gia đình trong việc "cứu giúp" nền kinh tế - cần được đánh giá đúng.
Trong phiên thảo luận hôm qua 27/10 tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, phần lớn đại biểu ghi nhận sự năng động của Chính phủ trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời cơ bản ổn định được kinh tế vĩ mô. Đây là điều được các đại biểu đánh giá là thành công lớn trong năm 2009.
Song theo đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang), trong thành tựu chung của nền kinh tế, cần nhấn mạnh vai trò của khu vực dân doanh. Trong năm vừa qua, Việt Nam có 76.000 doanh nghiệp đăng ký mới và vốn của khu vực tư nhân và dân doanh chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp chia sẻ gánh nặng về vốn khi khu vực đầu tư nước ngoài suy giảm.
"Trong lúc khó khăn thì hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã cứu giúp nền kinh tế. Đây là nguồn lực rất lớn, nếu chúng ta có chính sách tốt thì có thể tạo đà cho sự phát triển", ông Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), phân tích, Việt Nam chưa hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu, nên sự suy giảm vừa qua phần nhiều không phải do ảnh hưởng từ bên ngoài, mà là hệ quả của việc điều hành kinh tế trong nước. "Vốn tiết kiệm của người dân đã là nguồn hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian qua, và cần được đánh giá đúng mức", nữ chủ tịch của Tập đoàn Việt Á nói. Bà Loan cũng phân tích, 95% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, thực tế khi có khó khăn, họ không nhận được nhiều sự trợ giúp, mà đã tự xoay sở với nguồn lực từ trong gia đình, bạn bè.
Phần lớn đại biểu cũng đề xuất việc phát triển kinh tế cần hướng đến những mục tiêu dài hạn hơn, và việc thực hiện gói kích cầu thứ hai hay không cần dựa trên sự đánh giá kỹ lưỡng về gói thứ nhất.
Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) cho rằng, trước khi quyết định có thực hiện gói kích cầu thứ hai hay không, cần trả lời các câu hỏi bao nhiêu phần trăm gói kích cầu đã đến được đúng địa chỉ; doanh nghiệp nhận được tiền của Chính phủ đã sử dụng như thế nào; hậu quả nào mong đợi, không mong đợi xảy ra khi sử dụng gói kích cầu. Còn trong trường hợp thực hiện gói kích cầu thứ hai, theo ông, cần ưu tiên vốn cho trung và dài hạn, với khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực; và tuyệt đối không hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn do quản lý kém.
Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì đề xuất, tới đây cần tiếp tục hỗ trợ cho vay ngắn hạn, nhưng có chọn lọc đối tượng, và chỉ nên ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đông lao động. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay cho nông dân, nông thôn và hộ nghèo, hộ chính sách một cách dài hạn, với mức vốn cho vay lớn hơn, với thủ tục và điều kiện thế chấp đơn giản.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng cần làm rõ Việt Nam sẽ chuyển đô kinh tế theo mô hình nào và có ưu tiên với ngành gì. Ông lấy dẫn chứng cần xác định mô hình tăng trưởng của Việt Nam cần xác định theo hướng tự do của Mỹ, Anh, tăng trưởng xã hội của Đức, của Thụy Điển hay kinh tế Nhà nước phát triển của Pháp, Nhật... trong đó đặt ưu tiên và chiến lược cũng cần được làm rõ.
Riêng đại biểu Lê Bộ Lĩnh thậm chí đề xuất thực hiện 3 chương trình quốc gia lớn gồm phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ - nguồn nhân lực, và cải cách hành chính - thể chế kinh tế.
Theo VnExpres