Cập nhật: 29/10/2009 20:40:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ đã ban hành và vẫn đang tiếp tục ban hành các chính sách và giải pháp hỗ trợ nông dân, thế nhưng...Nông dân là lực lượng chủ chốt của nền kinh tế trong việc cung cấp lương thực thực phẩm và vô vàn sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống và xuất khẩu, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Trong các mặt hàng xuất khẩu của cả nước, nhiều nông sản có tên trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch ở mức 1 tỷ USD trở lên mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn có nghịch lý là người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn thường ở trong tình trạng bấp bênh, không ổn định. Và hầu như trong mọi trường hợp, những thiệt thòi đều nghiêng về người nông dân.

Đơn giản nhất, khi lúa gạo làm ra bị ế, không xuất khẩu được, lỗi được nhắc đến là người nông dân đã gieo trồng bằng những giống lúa mang lại hạt gạo kém chất lượng, không được thế giới ưa chuộng. Khi những con cá chen chúc quẫy đạp trong các ao nuôi chật cứng mà không bán được, khi những vườn cây đặc sản trĩu nặng quả trên cành mà giá bán chỉ như cho … thì nhiều ý kiến cũng bảo rằng tại người nông dân thiếu tính toán nên cứ đầu tư nuôi cá, trồng cây một cách vô tội vạ.

Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong sản xuất và trong đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên những chính sách này khi triển khai vào trong thực tế thì nảy sinh nhiều vướng mắc. Mà nhiều vướng mắc lại bắt nguồn từ chính một số người được giao trách nhiệm triển khai áp dụng chính sách khiến những ưu đãi này ít đến được tận tay người nông dân. Một phần khác thì là ngay chính sách được ban hành cũng chưa lường trước được một số vướng mắc nảy sinh khi thực hiện.

Đã nửa năm trôi qua từ khi Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay vốn của bà con nông dân để mua sắm thiết bị máy móc, vật tư sản xuất nông nghiệp và mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn. Tuy nhiên, trong thực tế, có khá nhiều nông dân ở các địa phương khác nhau đều phản ánh không nhận được ưu đãi này.

Một số bà con kể rằng chỉ biết được thông tin qua nghe đài phát thanh và xem truyền hình nhưng ở ngay làng xã mình lại không thấy phổ biến gì nên cũng không biết phải hỏi ai. Một số nơi đang thực hiện cho vay thì lại nảy sinh những bất cập. Nông dân muốn vay vốn được hỗ trợ ưu đãi để mua sắm thiết bị vật tư nhưng theo yêu cầu của ngân hàng phải có đủ chứng từ hóa đơn mua hàng mới được xem xét cho vay, rồi có khi lại còn phải giải trình phương án sản xuất kinh doanh. Thêm nữa, thủ tục vay vốn còn khá rắc rối.

Đối với người nông dân lâu nay chỉ quen sản xuất nhỏ, mua phân bón vật tư theo kiểu trả chậm ở các đại lý ngay trong làng xã rồi đến mùa vụ thu hoạch mới thanh toánóan thì những yêu cầu về giấy tờ hóa đơn mua hàng quả là nan giải. Trường hợp khác thì lại chả có gì để thế chấp để được vay. Rồi khi vay được ít tiền vốn lại bị khấu trừ cho làng cho xã và cho cá nhân cán bộ làng xã đến nửa số tiền được vay.

Rồi đi mua thì lại khó tìm ra các thiết bị máy móc đáp ứng yêu cầu như máy sản xuất trong nước trong khi các loại máy nhập ngoại bán đầy rẫy trên thị trường, thậm chí các loại máy này lâu nay cũng đang được bà con nông dân sử dụng. Đấy là chưa kể đến chuyện vay được vốn rồi thì làm sao để tránh mua phải giống cây con hay phân bón, vật tư giả và kém chất lượng luôn tràn lan trên thị trường nông thôn. Thực tế thì nông dân chủ yếu chỉ có thể phó mặc cho may rủi và cái tâm của giới kinh doanh. Sản xuất nông nghiệp thì mang tính cố định ở một đồng ruộng vườn tược có địa chỉ nhất định lại phụ thuộc vào các điều kiện kinh doanh hàng loạt mặt hàng luôn lưu động mà không có chỗ dựa vững chắc thì thật sự đáng lo ngại. Rất nhiều vụ ngô lúa mất bao công chăm bón đến mùa thu hoạch lại chỉ mang về những thân ngô không bắp, những bắp ngô không hạt và những khóm lúa lép hạt. Không ít vườn cà phê rụng lá chết cây vì bị bón phải phân bón giả. Trong những trường hợp này không mấy người nông dân đòi được đền bù.

Chính phủ đã quyết định và chỉ đạo các doanh nghiệp lương thực phải thu mua lúa cho bà con nông dân với giá sàn là 3.800đ/kg, phần giá nếu thấp hơn thế Nhà nước sẽ bù. Thế nhưng khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đâu đâu cũng có người dân bức xúc phản ánh chưa bao giờ bán được với mức giá này. Giá mà họ buộc phải bán cho thương lái luôn thấp hơn thế vài trăm đồng mỗi kg và tất nhiên là chả bao giờ người nông dân nhìn thấy khoản tiền mà Nhà nước giành cho mình.

Trong khi ấy, mỗi khi đến mùa thu hoạch, biết bao tấn lúa, ngô, rau quả bị thất thoát chỉ vì không có đủ điều kiện gặt hái, bảo quản. Với tổng sản lượng khoảng 38 triệu tấn lương thực trong cả nước được người nông dân dầm sương dãi nắng làm ra mỗi năm, có tới 11% đến 13% số đó bị thất thoát. Thậm chí, khi bất lực trong việc quản lý chất lượng phân bón để đến nỗi phân bón giả và kém chất lượng tràn lan trên thị trường, người ta lại quay ra tính phạt nông dân vì tội đã sử dụng phân bón kém chất lượng.

Đành rằng sự thật là giống lúa mà người nông dân đã gieo trồng không mang lại chất lượng cao, đành rằng là con cá và vườn quả đã được đầu tư không đúng hướng. Song để có hạt gạo ngon, để có cá và quả đưa ra thị trường đúng lúc đúng chỗ, ai đã và sẽ giúp trực tiếp người nông dân, và sẽ giúp như thế nào?

Nhiều người cũng trách rằng lẽ ra bà con nông dân phải biết tính toán, phải biết chọn lựa, phải biết đón thời cơ, biết đoán nhu cầu thị trường… Thế nhưng nhìn lại mà xem. Hiện tại cả nước có rất nhiều cơ quan tổ chức, hiệp hội, rất nhiều đại diện của các tầng lớp, giới chức, ngành nghề liên quan trực tiếp và gián tiếp với nông dân. Nhưng cuối cùng, người nông dân và sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó.

Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên chuyện chính những người đại diện cho doanh nghiệp và nông dân lo chuyện xuất khẩu gạo lại đi bán phá giá quy định để hưởng lợi cá nhân mà làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho hàng nghìn hộ nông dân trồng lúa và các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh.

Thực tế, Chính phủ đã ban hành và vẫn đang tiếp tục ban hành các chính sách và giải pháp hỗ trợ nông dân. Như hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay để mua sắm thiết bị sản xuất nông nghiệp và bảo quản nông sản trong và sau thu hoạch. Chính phủ cũng đã bổ sung các quy định điều kiện vay hỗ trợ để người nông dân dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn ưu đãi này. Cách đây 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ hè thu trong vòng 2 tháng năm nay để duy trì giá lúa trên thị trường, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi.  Việc thu mua này được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp. Quyết định này là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện chính sách đảm bảo người nông dân phải có lãi tối thiểu 30%. Mới đây nhất Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương xây dựng dự thảo quy chế điều hành xuất khẩu gạo trong đó Bộ Công Thương nắm vai trò chủ chốt. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và bà con nông dân đang hi vọng với cơ chế điều hành mới, hạt gạo Việt Nam sẽ có giá trị cao hơn, xứng đáng hơn trên thị trường quốc tế...

Chính sách ưu đãi thì nhiều và ưu đãi là khá lớn, nhưng nếu không được kịp thời triển khai vào thực tế, nếu không kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh – bắt nguồn cả từ khách quan và chủ quan, thì những ưu đãi của Chính phủ khó mà đến được với người nông dân./.

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm