Cập nhật: 20/11/2009 22:30:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 800 đồng/lít, với mức giá này thì xăng A92 có mức giá mới là 16.300 đồng/lít thay cho mức 15.500 đồng/lít như trước đây; dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít lên 15.200 đồng/lít, còn dầu hỏa cũng tăng tương tự 1.000 đồng/lít lên 14.300 đồng/lít. Riêng dầu mazút có mức tăng 500 đồng, lên 12.700 đồng/kg.

Liên bộ Tài chính-Công thương đã có văn bản chấp thuận đề xuất tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và việc tăng giá sẽ được thực hiện từ 0h ngày 20/11.

 

Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 800 đồng/lít, với mức giá này thì xăng A92 có mức giá mới là 16.300 đồng/lít thay cho mức 15.500 đồng/lít như trước đây; dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít lên 15.200 đồng/lít, còn dầu hỏa cũng tăng tương tự 1.000 đồng/lít lên 14.300 đồng/lít. Riêng dầu mazút có mức tăng 500 đồng, lên 12.700 đồng/kg.

 

Liên bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục trích quỹ bình ổn 200 đồng cho mỗi lít xăng, dầu hỏa, mazut và 300 đồng mỗi lít dầu diesel.

 

Việc tăng giá lần này, theo lý giải của liên bộ Tài chính-Công thương là nhằm giảm bớt áp lực chịu lỗ của các doanh nghiệp đầu mối, khi liên tục 20 ngày qua, giá xăng dầu thành phẩm luôn đứng ở mức cao trên 78 USD/thùng. Với mức giá này, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước đang chịu mức lỗ bình quân khoảng 1.000 đồng mỗi lít xăng và dầu.

 

Trước đó, ngày 15/10, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, theo đó kể từ ngày 15/12/2009, doanh nghiệp xăng dầu sẽ được điều chỉnh giá bán 3 lần một tháng, thay cho khoảng thời gian 20 ngày như hiện nay.

 

Khi giá xăng dầu thế giới và các yếu tố hình thành giá khác biến động tăng làm cho giá vốn của doanh nghiệp xăng dầu tăng lên 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp xăng dầu sẽ được tự động tăng giá bán lẻ tương ứng.

 

Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ phải gửi văn bản đăng ký giá lên Cục quản lý giá và nếu có vấn đề, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hậu kiểm, không phải chờ  được duyệt điều chỉnh giá như trước.

 

Khi giá vốn tăng lên vượt quá 7% đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được tăng giá bán lẻ lên 7% nói trên, cộng thêm 60% của khoảng tăng giá từ trên 7 -12% của giá vốn. 40% của phần giá vốn tăng còn lại sẽ được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá. Nhà nước chỉ giám sát cơ cấu tính giá, mức độ điều chỉnh giá và việc sử dụng Quỹ.

 

Khi giá vốn xăng dầu tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì Nhà nước công bố áp dụng biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp bình ổn giá như chỉ cho phép doanh nghiệp tăng giá ở mức độ nhất định, ngừng trích Quỹ bình ổn giá, giảm thuế hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác.

 

Đối với trường hợp giảm giá xăng dầu, khi giá vốn giảm đến 12% so với giá bán lẻ thì doanh nghiệp cũng phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Khi giá vốn giảm quá 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng giải pháp khôi phục lại các chính sách điều tiết về tài chính như tăng thuế, trích Quỹ bình ổn giá… Sau đó, doanh nghiệp có thể giảm giá không hạn chế số lần giảm và khoảng thời gian giữa hai lần giảm giá./.

 

 

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm