Cập nhật: 24/04/2010 08:15:18 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành dệt may đang trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Sau khi kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng rất nhanh. Tính đến hết quý 1 kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 1/3 chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành dệt may Việt Nam.

Trong quý 1/2010, có thể thấy các doanh nghiệp đã có nhiều thành công trong việc tìm kiếm đơn hàng và đa dạng mặt hàng xuất khẩu và điểm nổi bật là đơn giá sản phẩm đã tăng cao hơn so với năm 2009.

 

Trong những ngày này, nhà máy may 2 của Tổng công ty dệt may Hà Nội Hanosimex đang trong những ngày sản xuất gấp rút để kịp giao hàng. Ngày 27/4 này, 10,000 sản phẩm cotton và 56,000 áo thời trang nữ được xuất sang thị trường Mỹ. Hiện nay mỗi tháng, doanh nghiệp này đều xuất xưởng tới 500,000 sản phẩm sang thị trường Đan Mạch, Mỹ, châu Âu. Quý 1 năm nay, Hanosimex đã xuất khẩu đạt 10 triệu USD, đạt 24% trong kế hoạch cả năm là 42,5 triệu USD.

 

Ông Hồ Lê Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty may Hà Nội cho biết: “Thị trường chính vẫn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, trong đó quần áo xuất khẩu 70% vào thị trường Mỹ, còn lại sang châu Âu và các nước khác. Sợi vào Hàn Quốc, Đài Loan và 1 số nước châu Mỹ  la tinh, mặt hàng khăn vào thị trường Nhật”. 

 

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: “Trong quý 1, ngành dệt may xuất khẩu được 2,2 tỷ USD, tăng 15% so với quý 1 năm trước, đặc biệt tháng 4 xuất khẩu trên 80 triệu USD, nâng mức xuất khẩu 4 tháng lên trên 3 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kì năm trước. Đáng chú ý là trong quý 1, chúng ta xuất được rất nhiều sợi. Có thể nói, ngành sợi của Việt Nam trong quý 1 sản xuất không kịp tiêu thụ”.

 

Hiệp hội Dệt may cho biết, hiện đơn giá bình quân vào Hoa Kì trong năm 2009 là 3 USD/m2,  trong khi đó của Trung Quốc là 1,56 USD/m2. Như vậy, giá đơn hàng của Việt Nam không hề thấp. 

 

Ông Hồ Lê Hùng cho biết thêm: “Đơn hàng tăng lên, giá bán sản phẩm được điều chỉnh và đặc biệt là giá sợi được điều chỉnh tăng lên, có lợi cho nhà sản xuất. Một phần giá trong mặt hàng may đã được điều chỉnh, tuy chưa được tăng giá cao nhưng cũng thuận lợi hơn năm 2009. Mặt hàng khăn thì giá vẫn giữ theo cam kết”.

 

Ông Lê Quốc Ân nhận định: “Quý 1 năm nay, đơn hàng nhiều nên các nhà sản xuất đã dần thương lượng với khách hàng để giữ dần đơn giá. Tuy nhiên, chúng ta ko điều chỉnh cùng lúc. Hiện nay, chúng ta đã nhận được đơn hàng có đơn giá bằng năm trước năm bị khủng hoảng. Tôi tin rằng, cuối năm chúng ta sẽ điều chỉnh 1 lượt nữa thì đơn giá sẽ cao hơn. Hiện nay, chúng ta đã khôi phục đơn giá cũ, không còn đơn giá thời suy thoái”.

 

Đánh giá về thị trường, ông Lê quốc Ân cho biết, thị trường Mỹ có tốc độ hồi phục nhanh nhất, tăng tới 20% trong quý 1. Các doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh xuất hàng vào thị trường ASEAN.

 

Vừa qua, công ty Việt Tiến vừa lập tổng đại lý tiêu thụ tại Camphuchia, Lào và thời gian tới sẽ sang Myanma. Một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông không chỉ nhập hàng Việt Nam để xuất khẩu mà còn tiêu thụ nội địa. Điều này thể hiện sản phẩm may mặc của Việt Nam đã có sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới.           

 

 

Theo VTV

Tệp đính kèm