Ý tưởng hạ tỷ lệ góp vốn của cổ đông được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhắc tới trong một cuộc trao đổi với báo giới từ hơn một tháng trước, khi một số ngân hàng đứng trước nguy cơ mất thanh khoản và một phần nguyên nhân là sự thao túng của các cổ đông lớn.
Trước thực trạng một số nhóm cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần lớn thao túng hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến hạ tỷ lệ góp vốn của cổ đông, minh bạch hóa nguồn tiền và cấm ngân hàng đầu tư đan xen.
Trong dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 6/5, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đề xuất giới hạn tỷ lệ góp vốn của cổ đông cá nhân xuống còn 5% vốn điều lệ ngân hàng, thay vì mức tối đa 10% hiện nay. Với các cổ đông tổ chức, quota cũng giảm một nửa xuống 10%. Tỷ lệ chung dành cho cổ đông và người có liên quan vẫn khống chế không quá 20%. Ngân hàng Nhà nước còn dự kiến đưa ra các quy định buộc cổ đông phải kê khai nguồn gốc tiền góp vốn lập ngân hàng. Các văn bản hiện hành chỉ quy định cổ đông chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn.
Ý tưởng hạ tỷ lệ góp vốn của cổ đông được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhắc tới trong một cuộc trao đổi với báo giới từ hơn một tháng trước, khi một số ngân hàng đứng trước nguy cơ mất thanh khoản và một phần nguyên nhân là sự thao túng của các cổ đông lớn. Tại buổi họp của Ủy ban Thường vụ hôm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình tiếp tục nhắc lại lũng đoạn ngân hàng là chuyện có thật và đang xảy ra. Để chống lại vấn đề mới phát sinh này, theo ông, giới hạn tỷ lệ góp vốn của các cổ đông là biện pháp rất quan trọng.
Phần lớn các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc hạ tỷ lệ góp vốn của cổ đông cá nhân xuống 5%, song một số ủy viên đề nghị vẫn giữ tỷ lệ góp vốn của các tổ chức ở mức 20% như hiện nay.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn cho rằng nguy cơ lũng đoạn chủ yếu xuất phát ở nhóm cổ đông thể nhân, còn các pháp nhân rất ít hiện tượng đó. Hơn nữa, các ngân hàng trong nước đang cần thu hút thêm nguồn vốn, đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để được giúp đỡ công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các cổ đông này. Với kinh nghiệm nhiều năm điều hành ngân hàng, ông Ngoạn, giữ tỷ lệ góp vốn 20% cũng tạo điều kiện để các ngân hàng, tập đoàn tài chính trong nước được bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài (các nhà đầu tư nước ngoài có thể được góp vốn với tỷ lệ tối đa tới 20%).
"Nên giữ như quy định đang áp dụng là 20%, bởi quá trình thực hiện thời gian qua không phát sinh vướng mắc gì", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền bổ sung.
Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ có quyền quyết định rất lớn trong ngân hàng, trong đó có việc đề cử nhân sự cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát, triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp. Vì vậy, ban soạn thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi cho rằng giới hạn tỷ lệ góp vốn không quá 10% vốn điều lệ là cần thiết để tránh nguy cơ các tổ chức kiểm soát ngân hàng thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu.
Trong khi đó, các pháp nhân tham gia góp vốn lập ngân hàng không ít trường hợp chỉ là các công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân.
"Tỷ lệ 20% là rất lớn và không hiện thực. Sắp tới, quy mô vốn của ngân hàng còn tăng lên. Nếu không kiểm soát tốt, các cổ đông có thể liên kết với nhau để nắm tới 50% vốn của ngân hàng", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình nhấn mạnh.
Dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng dự kiến được trình Quốc hội thông qua ngày kỳ họp khai mạc cuối tháng 5. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, có thể sẽ điều chỉnh lại phương án đề xuất tỷ lệ góp vốn của các cổ đông theo hướng, các cá nhân góp không quá 5%, tổ chức không quá 15%, cổ đông và người có liên quan không quá 20%, nhằm hài hòa giữa mục tiêu an toàn hoạt động của hệ thống và giúp các ngân hàng có cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp.
Trong dự thảo mới trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác và cấm ngân hàng cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của đa số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ. Hiện tại, không ít ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại quốc doanh đang góp vốn hoặc nắm giữ cổ phần của ngân hàng khác. Việc cho vay đầu tư chứng khoán cũng bị giới hạn không quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng.
Theo VnExpress