Cập nhật: 17/11/2010 16:05:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã tăng mạnh 1,05%, cao hơn so với dự báo. Các chuyên gia kinh tế phải liên tục điều chỉnh dự báo về tốc độ tăng CPI trong cả năm 2010.

Thực tế giá nhiều mặt hàng tăng đồng loạt khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ðể giữ tốc độ tăng CPI cả năm nay ở mức một con số sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt.

 

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, CPI tháng 10 tăng 1,05% so với tháng trước, tăng 7,58% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 ở mức 8%, CPI trong hai tháng cuối năm chỉ được phép tăng thêm 0,42%. Ðây là mục tiêu khó thực hiện, bởi trong tháng 10, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã ở mức cao và có chiều hướng tiếp tục tăng. Trong tháng 10, giá gas bán lẻ đã tăng 15 nghìn đồng/bình (loại 12 kg). Giá xăng, dầu thế giới đang ở mức cao và theo tính toán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu nhập khẩu đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành.

 

Tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá. Bắt đầu từ tháng 8-2010, khi giá nhiều mặt hàng bắt đầu rục rịch tăng, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã có kế hoạch mua hàng dự trữ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng hàng bình ổn dường như chưa thật sự phát huy vai trò bình ổn giá cả. Ðiển hình như giá các loại thịt lợn cũng tăng mạnh, thời gian đầu, các siêu thị lấy nguồn hàng từ các công ty tham gia bình ổn giá là 68.000 đồng/kg nay đã lên 72.000 đồng/kg. Còn so với giữa tháng 10 thì đầu tháng 11, giá của các mặt hàng như sữa, đường, bột ngọt, trứng... cũng đã tăng từ 3 đến 10%, như các loại sữa của Vinamilk đồng loạt tăng 3%. Ðiều đó đã gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân.

 

Bà Vũ Mai Duyên, một người dân sống ở phường Bạch Ðằng, Hà Nội cho hay: 'Giá tiêu dùng cái gì cũng lên, từ rau, gạo, thịt đến đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Thí dụ, như giá thịt tăng từ 10 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/cân, cà chua trước đây 10.000 đồng/kg, bây giờ tăng lên 18.000 đồng/kg, một củ xu hào trước có ba nghìn, giờ tăng lên bảy nghìn đồng. Với đồng lương hưu như chúng tôi thì chi tiêu trong thời buổi này quả thực rất khó khăn'.

 

Ðại diện một số siêu thị lớn cho rằng, mặc dù đã cam kết bán giá thấp so với thị trường, nhưng thời điểm này vẫn phải lỗi hẹn với khách hàng. Bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống Big C cho biết: 'Nhà sản xuất đưa ra hàng chục lý do để yêu cầu nhà phân phối tăng giá bán sản phẩm như mưa lũ, khan hiếm nguồn cung, giá vàng, giá đô-la tăng. Còn để bảo đảm đúng cam kết với giá bán thấp thì doanh nghiệp phân phối phải chấp nhận chịu lỗ. Như thế sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phân phối'.

 

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, CPI tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng trước. So với tháng 12-2009, CPI đã tăng 7,58%. Như vậy, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 ở mức 8%, CPI trong hai tháng cuối năm chỉ được phép tăng thêm 0,42%. Khó khăn là chỉ số CPI đang được cộng hưởng thêm bởi sự giảm giá của các đồng tiền trên thế giới và chính sách kích cầu của một số nước như Nhật và Mỹ, diễn biến thất thường và phức tạp của giá vàng, USD trên thị trường tự do. Yếu tố đó đã gây sức ép khá lớn lên đồng tiền Việt Nam.

 

Bình ổn tỷ giá từ nay đến cuối năm bằng việc bán USD ra thị trường để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước và giá các mặt hàng thiết yếu điện, than, nước sạch, xăng dầu, cước vận tải... sẽ là một giải pháp quan trọng để giữ lạm phát ở mức một con số. Tuy nhiên, ông Phong cũng đưa ra những cảnh báo: Về mặt lô-gic đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Vì nó liên quan rất lớn đến sự hao hụt của nguồn ngoại tệ quốc gia, liên quan đến nguy cơ xuất hiện những dòng vốn đầu cơ và hoạt động đầu cơ ngoại tệ. Cần lưu ý rằng, nếu bán ngoại tệ mà thông tin không được thực hiện một cách minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và căn cứ yêu cầu thực tế, sẽ nảy sinh tình trạng đơn vị nào được tiếp cận nguồn vốn sẽ mang ra thị trường bán với giá cao, Nhà nước sẽ thiệt.

 

Tại cuộc họp giao ban đầu tuần ngày 8-11, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa nhận, thị trường giá cả hiện nay đang khá nóng, không chỉ thực phẩm mà cả giá gạo và một số mặt hàng quan trọng như sắt thép, xi-măng, xăng dầu cũng đang có xu hướng nhích lên. Tại các chợ đầu mối, giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được do nguồn cung dồi dào nhưng về đến chợ thì giá lại leo lên. Theo Bộ Công thương, việc kiểm soát giá hiện nay đang gặp khó khăn, trong khi các điểm bán hàng bình ổn giá lại đang có dấu hiệu tràn lan, chưa đến đúng đối tượng người tiêu dùng. Giới kinh doanh đang mượn cớ vàng, USD biến động để điều chỉnh giá bán.

 

Ðể đạt mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI cả năm nay ở mức một con số, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát thuế, giá và thực hiện biện pháp chống liên kết độc quyền, nâng giá bất hợp lý, cần đẩy mạnh kiểm soát việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá tại doanh nghiệp. Ðẩy mạnh truyền thông và thông tin về thị trường, nhất là cần chú trọng phát triển hệ thống phân phối hàng và dự trữ các mặt hàng thiết yếu, tránh hiện tượng khan hiếm hàng, nhất là những tháng đầu năm 2011, thời điểm có nhiều áp lực gây tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, từ nay đến cuối năm, cơ quan chức năng sẽ điều hành sát sao công tác quản lý giá thông qua các biện pháp cân đối giá cả, kiểm soát, thanh tra việc đăng ký, niêm yết giá. Ðối với lương thực, thực phẩm, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt để ổn định giá, bởi nhóm hàng này là một trong những nguyên nhân gây tăng CPI.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm