Cuối tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công Thương vui mừng nói có thể không phải tiết giảm điện thì ngay từ 1/3, các tỉnh thành đã tiến hành cắt điện luân phiên. Người dân ngơ ngác không hiểu, trời lạnh, nhu cầu thấp thì điện có thiếu đúng kế hoạch hay không?
Cắt sớm hơn mọi năm
Cuối tháng 2 vừa qua, thông tin tăng giá điện tràn ngập khắp các kênh truyền thông. Bộ Công Thương chủ trì họp báo, lý giải đầy đủ việc tăng giá điện là chuyện phải làm và dù tăng mạnh như vậy, hãy còn là nhẹ so với mức 62% đáng lẽ phải tăng. Nhưng có một vấn đề khác cũng nước sôi lửa bỏng, quan trọng ngang ngửa không kém giá điện, lại không được nói tới đầy đủ và minh bạch. Đó là chuyện cắt điện luân phiên.
Cả tuần nay, kể từ ngày áp dụng giá điện mới, cũng là lúc, những người dân sống ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh bắt đầu chịu cảnh ngày ngày mất điện.
"Không thông báo rõ ràng gì cả! Chỉ biết, ngày nào cũng mất điện, hôm thì sáng, hôm thì chiều", bà Nguyễn Thị Hằng, tổ 5, phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long than thở. Mặc dù tiết trời vẫn đang lạnh, việc cắt điện chưa gây khó chịu lớn tới sinh hoạt của người dân, nhưng chính vì thế, bà Hằng lại càng lo lắng: "Không rõ, người ta cắt điện đến bao giờ? Liệu có cắt triền miên như năm ngoái không?".
Bà còn thắc mắc: "Tôi nhớ năm ngoái, điện bắt đầu mất triền miên là từ tháng 5, lúc trời nóng. Sao năm nay, mới tháng 3 mà đã bị cắt điện rồi?"
Chuẩn bị máy phát cho mùa thiếu điện
Ở xóm 3, thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nhiều người dân cũng cảm thấy khó hiểu khi bỗng dưng thấy loa xóm phát lịch cắt điện. Bà Chiến, một người dân sống ở khu này chia sẻ với PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: "Hôm nay, điện lại mất từ 8h sáng tới 12h giờ trưa, hôm nào cũng 3-4 tiếng đồng hồ".
Bà Chiến còn cho biết: "Chỉ thấy hàng ngày, loa của xóm có đọc lịch cắt điện nhưng không nói rõ lý do vì sao bị cắt. Lịch cắt thì lộn xộn, có hôm thông báo mất điện thì không mất, hôm không đọc lịch gì thì lại mất điện. Họ cắt điện theo kiểu của họ!"
"Trời còn mát nên sinh hoạt chúng tôi chưa bị ảnh hưởng nhiều. Có chăng là không chạy được tủ lạnh, không xem được tivi. Nhưng ở trên phố, mấy hộ kinh doanh bị ảnh hưởng lớn. Họ không chạy được máy xay, máy sát thóc, máy nghiền. Mấy quán cắt tóc làm đầu không có điện, cũng đóng cửa. Mấy nhà có công việc cần dùng máy bơm, máy khoan... là bị ảnh hưởng", bà Chiến cho hay.
Lịch cắt điện năm nay có vẻ... khoa học hơn, không đến mức mất cả trọn ngày như năm ngoái, nhưng việc thông báo vẫn chưa được cải thiện.
"Từ đầu tuần đến nay, khi nào mất điện thì biết là mất điện thôi. Không có thông báo gì cả, chẳng theo qui luật gì", ông Thanh, ở thôn Cẩm Xuyen, Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, hôm 26/2, họp báo công bố về tình hình điện mùa khô, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã quả quyết, có thể sẽ không phải tiết giảm điện. Một trong 4 lý do ông đưa ra là, phụ tải điện thấp hơn 18% so với dự báo. 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện chỉ tăng 12,9% và chuyện tiết giảm điện đã không xảy ra.
Bản thông cáo báo chí của EVN ngày 2/3 cũng không đả động gì đến việc đã áp dụng chế độ tiết giảm và cắt điện luân phiên. Gần đầy nhất, ngày 7/3, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN, báo cáo tại cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương chỉ cho hay, từ tháng 4 trở ra là cao điểm của mùa khô, lượng nước về bị yếu, khả năng sản xuất điện sẽ hạn chế. EVN sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tăng lượng điện cho nền kinh tế.
Phụ tải thấp, cắt điện vẫn theo kế hoạch?
Thế nhưng, thật trái ngược với nội dung những lời hứa hẹn trên, các tỉnh thành phía Bắc đã khởi động mùa... mất điện từ 1/3.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, năm nay, điện còn thiếu trầm trọng hơn năm ngoái. Năm 2010, việc tiết giảm, cắt luân phiên mới chỉ bắt đầu từ tháng 5 thì năm nay, "cắt giảm điện" đã áp dụng ngay từ tháng 3, sớm hơn 2 tháng.
Thiếu nước dẫn tới thiếu điện sớm?
Đơn vị này lo điện cho 27 tỉnh thành phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, trừ Hà Nội được dự báo sẽ thiếu hụt từ 9-12%, từ khoảng 222-326 triệu kWh/tháng mùa khô, cao hơn mức thiếu 3,2% của hệ thống điện toàn quốc.
Trong giai đoạn này, EVN chỉ phân bổ 13,378 tỷ kWh điện nhận đầu nguồn, bao gồm cả thủy điện nhỏ cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc, đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng chỉ ở mức 12,75% so với năm 2010, thấp hơn 3,5% so với kế hoạch tăng trưởng phụ tải điện mà tổng công ty này được duyệt trước. Trong khi đó, nhu cầu điện mà tổng công ty tính toán đã giảm trừ so với thực tế, được đặt trong điều kiện dự báo hệ thống điện quốc gia sẽ thiếu từ 4-5% cho cả năm.
Một khó khăn khác cho khu vực miền Bắc là cơ cấu điện được phân bổ, ngoài nguồn nhận từ EVN, còn tính cả nguồn thủy điện nhỏ. Song, do khô hạn, các thủy điện nhỏ cung ứng cho miền Bắc cũng chỉ đáp ứng được 1/3 sản lượng ngày so với kế hoạch. Điều này càng khiến cho mức thiếu hụt điện cho miền Bắc tăng thêm 2-2,5% sản lượng.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, việc cắt điện luân phiên được tính kỹ và chu đáo hơn năm ngoái. Năm 2010, vì nguyên tắc ưu tiện điện cho sản xuất, xuất khẩu nên điện sinh hoạt bị tiết giảm sâu, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh. Năm nay, việc tiết giảm sẽ theo hướng, tất cả các phụ tải cùng gánh chịu. Các doanh nghiệp sản xuất, nhất là thép, xi măng cũng phải chịu chế độ cắt luân phiên. Chỉ những phụ tải như bệnh viện, trường học, UBND... mới ưu tiên.
Do đó, trong tháng 3-4, trời mát nên tỷ lệ tiết giảm điện sinh hoạt cao hơn mức tiết giảm chung, khu vực công nghiệp xây dựng sẽ bị tiết giảm tương đương như mức chung, tức khoảng 9,02- 9,75% so với nhu cầu đăng ký.
Tháng 5-6, thời tiết nắng nóng, khu vực công nghiệp xây dựng sẽ phải bị cắt giảm nhiều hơn để phục vụ cho thi cử, tuyển sinh, các sự kiện chính trị, bơm nước nông nghiệp, điện sinh hoạt sẽ ưu tiên hơn, cắt ít hơn. Đây được cho là phương án tối ưu nhất để tránh thiệt hại do cắt điện.
Một điều đáng băn khoăn là, việc tiết giảm và cắt luân phiên từ tháng 3 của các tỉnh là... nằm trong kế hoạch đã vạch ra từ đầu năm. Nhu cầu dự báo phụ tải mùa khô của cả hệ thống là hơn 18%. Trong khi đó, như Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói, phụ tải thực tế đã tăng thấp hơn dự báo là lý do mà tháng 1 và 2 chưa phải tiết giảm điện.
Bản thông báo về điện mùa khô của Bộ này còn nhấn mạnh rằng: "Trong trường hợp phụ tải tăng cao hơn khả năng cung ứng của hệ thống dẫn tới thiếu điện thì việc tiết giảm điện tại các địa phương được thực hiện theo kế hoạch, do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt".
Chính vì những bất nhất trong các thông báo về điện mùa khô như vậy, một câu hỏi lớn đang đặt ra cho ngành điện, liệu những ngày đầu tháng 3, phụ tải điện không tăng đột biến, vẫn thấp hơn mức dự báo như tình hình tháng 1, tháng 2 thì vì sao, cơ chế cắt điện luân phiên vẫn được áp dụng?
Theo VEF.vn