Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2010 cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu được lại rất khiêm tốn, thậm chí thụt lùi so với năm 2009.
Là một trong những doanh nghiệp niêm yết lớn cuối cùng công bố kết quả kinh doanh năm 2010, Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) ghi nhận mức tăng doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng tới 33% so với 2009. Tuy nhiên, về lợi nhuận trước thuế, toàn tập đoàn này đạt 887 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm tài chính trước đó.
Tương tự như Bảo Việt, tại đại hội hôm 31/3, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng trình cổ đông mức doanh thu thuần trong cả năm 2010 lên tới gần 14.300 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ so với 2009. Tuy nhiên, nếu xét cả lợi nhuận trước và sau thuế của doanh nghiệp này thì mức tăng trưởng sau 12 tháng chỉ lần lượt đạt 3,6% và 8,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 75% của doanh thu.
Bất ngờ hơn cả 2 trường hợp nói trên là kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (HOSE: REE), một trong những doanh nghiệp “kỳ cựu” nhất trên sàn chứng khoán. Theo báo cáo, doanh thu thuần của REE trong năm 2010 tăng hơn 600 tỷ đồng (hơn 50%) so với 2009. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 467 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ so với năm ngoái.
Chi phí vốn cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về lợi nhuận. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Hơn 140 báo cáo kết quả kinh doanh 2010 đã được công bố trên 2 sở giao dịch. Xu thế chung của các doanh nghiệp là doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận giảm hoặc không tăng tương xứng. Bên cạnh BVH, HPG hay REE còn có không ít blue-chip khác như SSI, POM (lợi nhuận trước thuế giảm) hay NTL (doanh thu tăng 38% trong khi lợi nhuận chỉ tăng 10%)…
Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt bên cạnh những đặc thù riêng của việc kinh doanh bảo hiểm (trích lập dự phòng với tỷ lệ lớn, khó thu lãi trong giai đoạn đầu khi mở rộng mạng lưới…), một yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận của tập đoàn này tăng chậm trong năm 2010 là do chi phí đầu vào tăng cao trong điều kiện lạm phát leo thang. Theo bà Lâm thì đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp trong năm 2010.
Chia sẻ quan điểm với lãnh đạo của Bảo Việt, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc REE cho rằng, chi phí, đặc biệt là chi phí vay vốn ngân hàng tăng cao là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc doanh nghiệp phải chịu nhiều thiệt thòi về lợi nhuận.
“Khác với năm 2009, khi có gói kích cầu, giúp lãi suất giảm xuống, chi phí vốn đối với doanh nghiệp trong năm 2010 đã tăng khá đột ngột, có lúc lên tới hơn 20%, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết giải thích.
Theo phân tích của ông Tâm, nếu doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có càng lớn thì càng chịu ảnh hưởng của biến động lãi suất. “Nếu doanh nghiệp có một nửa là vốn tự có, đi vay nửa còn lại với lãi suất 20% thì chi phí vốn sẽ đẩy giá bán hàng tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, do muốn giữ khách hàng nên nhiều doanh nghiệp không dám tăng giá hoặc tăng rất ít. Khi đó lợi nhuận giảm là điều khó tránh”, ông Tâm nói. Ông Tâm hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL).
Tuy nhiên, ông Tâm, mức vay theo tỷ lệ 1:1 nói trên chỉ là trên lý thuyết: “Rất nhiều doanh nghiệp hiện sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất cao, có một đồng vốn nhưng đi vay đến 4, 5 đồng. Do vậy, doanh thu càng cao thì lợi nhuận của doanh nghiệp càng bị ảnh hưởng”.
Trong khi đó, theo Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) Nguyễn Bá Chủ cho rằng việc nhận định lãi suất cao hay thấp chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, trong điều kiện lãi suất hiện nay, rất ít doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường (đạt tỷ suất sinh lời trên vốn khoảng 20%). Trong khi đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hiện còn phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào trong nước và thế giới.
“Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam hiện đã bị chi phối khá nhiều từ các yếu tố bên ngoài. Do vậy, chỉ có doanh nghiệp vừa chủ động được nguồn vốn, vừa dự đoán được đúng điểm rơi của giá cả thị trường thì mới có thể kinh doanh có lãi”, vị Phó chủ tịch này cho biết.
Một quan điểm khác cũng được 2 vị lãnh đạo doanh nghiệp thống nhất là những doanh nghiệp có công nghệ hiện đại và chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ có lợi thế hơn trong cuộc đua lợi nhuận. “Mặc dù lãi suất cao, giá đầu vào tăng nhưng trên thị trường vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng được cả doanh thu và lợi nhuận trên dưới 50%. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do họ có nguồn nguyên liệu ổn định, có công nghệ tốt cũng như chủ động được tài chính”, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết Nguyễn Băng Tâm nhận xét.
Theo VnExpress