Cập nhật: 29/04/2011 15:50:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong hai ngày 28-29/4, Chính phủ họp thường kỳ tháng Tư dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Nội dung quan trọng nhất của phiên họp này được các thành viên Chính phủ tập trung phân tích, trao đổi là các nguyên nhân đẩy giá cả hàng hóa tăng cao đột biến. Trên cơ sở đó, Chính phủ thảo luận, xác định công việc trọng tâm nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư tăng 3,32% so với tháng trước, tính bình quân, bốn tháng đầu năm, chỉ số này đã tăng 13,95%. Tháng Tư cũng là tháng có mức tăng chỉ số tiêu dùng cao nhất kể từ năm 1990.

 

Theo báo cáo bước đầu của 40 tỉnh, thành phố, thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, tổng số vốn cắt giảm trong năm 2011 là 96.888,3 tỷ đồng bằng khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 7,3 tỷ USD. Tính chung bốn tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 26,9 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch.

 

Tuy nhiên, nhập siêu tháng Tư vẫn ở mức cao: 1,4 tỷ USD, cao nhất từ đầu năm đến nay (xấp xỉ 19,2% kim ngạch xuất khẩu). Cũng trong tháng, các cấp, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho các hộ nghèo khoảng gần 1 tấn lương thực và gần 300 triệu đồng, tập trung chủ yếu ở các vùng trung du, miền núi phía Bắc; bố trí kinh phí trên 371 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo tháng Ba và quý II vừa qua.

 

Giải thích lý do làm giá cả hàng hóa tăng cao trong tháng Tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng ngoài việc giá cả thế giới gia tăng, còn do chi phí đẩy trong nước như sự tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu xăng dầu, điện, than, tỷ giá VND/USD, lãi suất, tăng giá do tâm lý dẫn đến phản ứng tăng giá dây chuyền trong mọi nhóm, ngành hàng.

 

Góp ý về việc chọn lựa các khoản mục để thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11/CP, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng nên dành vốn cho các dự án phục vụ trực tiếp sản xuất hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội chứ không nên chỉ tập trung cho hạ tầng giao thông.

 

Ngoài ra, ông Quân cũng đề nghị cân đối vốn chi cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhóm người có thu nhập thấp khắc phục khó khăn trong thời kỳ giá cả leo thang.

 

Đồng tình với đề xuất của các bộ xem xét lại cơ cấu các dự án để tiếp tục đầu tư, triển khai nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các ngành phối hợp với ngân hàng đảm bảo vốn phục vụ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, khống chế tốt hơn tỷ lệ nhập siêu.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng mặc dù lạm phát tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Các bộ, ngành đã chủ động triển khai và bước đầu có hiệu quả Nghị quyết 11/CP. Phó Thủ tướng cũng đề nghị 23/63 địa phương còn lại khẩn trương báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết này.

 

Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư và bốn tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ việc triển khai Nghị quyết 11/CP đã diễn ra đồng bộ, quyết liệt tại các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty với tinh thần tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Mặc dù thời gian triển khai Nghị quyết mới chỉ 2 tháng nhưng cũng đã có những kết quả tích cực bước đầu. Tiền tệ, tỷ giá được kiểm soát chặt chẽ nhờ siết chặt công tác quản lý Nhà nước, hạn chế được tình trạng đôla hóa nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Thu ngân sách tăng, bội chi giảm so với cùng kỳ. Việc rà soát, cắt giảm đầu tư công có hiệu quả. Xuất khẩu tăng ấn tượng cả về số lượng và giá trị với mức tăng 35,7%, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng cao vẫn đang là thách thức lớn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Thủ tướng nêu rõ mặc dù theo dự báo của các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước, lạm phát có thể giảm dần vào các tháng sắp tới nhưng không thể duy ý chí, phải tìm mọi biện pháp kiểm soát, kiềm chế. Vấn đề lãi suất ngân hàng tăng cao đang gây khó khăn cho việc sản xuất hàng hóa, đồng thời làm giảm tính thanh khoản của một số ngân hàng, làm cho 1 số doanh nghiệp, thị trường bất động sản lao đao.

 

Nhập siêu tháng Tư cao có phần nguyên nhân do chưa kiên quyết hạn chế một số mặt hàng xa xỉ. Công tác an sinh xã hội mặc dù đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của các nhóm đối tượng, nhất là với công nhân viên các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

 

Thời gian qua, tai nạn giao thông gia tăng chủ yếu là do nguyên nhân uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông; công tác quản lý Nhà nước về giấy phép lái xe còn lỏng lẻo...

 

Về nhiệm vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành bám sát và dự báo tình hình kinh tế-xã hội trong nước, thế giới, nhất là giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm để có biện pháp đối phó kịp thời. Mỗi bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 11/CP. Về kiềm chế lạm phát, phấn đấu giữ khoảng 12-13% trong năm 2011; tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng trên 6%.

 

Thủ tướng chỉ thị các bộ liên quan cần siết chặt quản lý áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng đắt tiền, giá trị lớn, ôtô hạng sang, ngăn chặn việc trốn lậu thuế, gây thiệt hại cho nền kinh tế, phấn đấu khống chế nhập siêu ở mức 16%.

 

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng thống nhất đề nghị của các bộ, ngành điều hành giá cả xăng dầu theo hướng giá thị trường nhưng phải đảm bảo minh bạch, công khai và được kiểm soát chặt chẽ, nhất là ở các thành phố lớn, tránh triệt để và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ.

 

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các danh mục dự án, công trình, ưu tiên vốn cho các công trình đã khởi công, có khả năng hoàn thành trong năm 2011. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 11/CP, các bộ, ngành, địa phương phải chú ý đảm bảo vốn cho sản xuất.

 

Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận kết quả, tiến độ công tác triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân khóa XIII; hoàn chỉnh báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước 2009, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần; cho ý kiến về Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015.

 

Các thành viên Chính phủ cũng trao đổi ý kiến bước đầu về Dự án luật Giáo dục Đại học, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách vận dụng để thực hiện tái cơ cấu tập đoàn Vinashin./.

 

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm