Sau hơn 25 năm đổi mới, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngay cả những năm gần đây, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta đã và đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.
Kinh tế vĩ mô cơ bản theo hướng ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Trong sự phát triển đó, có sự đóng góp to lớn nhờ sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp.
Kết quả các cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (CSKTHCSN) các năm 1995, 2002, 2007 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, số lượng các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp ở nước ta đã tăng lên nhanh chóng. Tại thời điểm 1-7-2007 cả nước có hơn bốn triệu cơ sở, tăng gần 44% so thời điểm năm 2002 và gấp gần hai lần so thời điểm năm 1995.
Kể từ Tổng điều tra CSKTHCSN lần thứ ba năm 2007, khối các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp đã có nhiều thay đổi do sự tác động không nhỏ của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ đầu năm 2008. Cùng với việc tăng nhanh của số lượng các cơ sở, xuất hiện nhiều loại hình hoạt động dịch vụ mới, các cơ sở hành chính, sự nghiệp cũng phát triển đa dạng,... đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Nhà nước, của các cấp, các ngành, các địa phương cần linh hoạt và nhạy bén để theo kịp sự phát triển. Ðể có đầy đủ thông tin về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp nhằm đưa ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 144/2008/QÐ-TTg ban hành Chương trình điều tra Thống kê quốc gia và Tổng điều tra CSKTHCSN là một trong ba cuộc tổng điều tra lớn, được tiến hành định kỳ năm năm một lần. Ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1271/QÐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra CSKTHCSN năm 2012.
Phạm vi và đối tượng điều tra của Tổng điều tra CSKTHCSN năm 2012 là toàn bộ các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế quốc dân trên cả nước (trừ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã được điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011). Các đơn vị điều tra được chia làm bốn khối: Khối doanh nghiệp; Khối hành chính - sự nghiệp; Khối sản xuất, kinh doanh cá thể; Khối các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Cuộc Tổng điều tra CSKTHCSN lần này được thực hiện kết hợp với hai cuộc điều tra thống kê định kỳ của năm 2012, là điều tra doanh nghiệp và điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Ðiều đó cho phép tập trung nguồn lực cho việc chỉ đạo và thu thập thông tin, đồng thời giảm bớt gánh nặng cung cấp thông tin cho các đơn vị điều tra. Ðể đáp ứng yêu cầu về thời gian thu thập và tổng hợp số liệu, Tổng điều tra lần này được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Thu thập thông tin của các cơ sở thuộc khu vực doanh nghiệp được tiến hành vào ngày 1-4-2012; Giai đoạn 2: Thu thập thông tin của các cơ sở thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể tiến hành vào ngày 1-7-2012. Tất cả các thông tin thu thập được từ các đơn vị điều tra sẽ được bảo mật theo quy định của Luật Thống kê và chỉ được để tổng hợp chung phục vụ cho mục đích thống kê trong cả nước và theo lãnh thổ, không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra đang được Tổng cục Thống kê, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương chủ động phối hợp các ngành, các cấp hoàn thành. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Ban Chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo các cấp đã được thành lập và triển khai thống nhất công việc theo phương án, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương. Phương án điều tra đã được xây dựng, thử nghiệm, hội thảo nhiều lần và ban hành; 28 loại phiếu điều tra đã được thiết kế, in ấn và chuyển đến các địa bàn điều tra; các điều kiện vật chất, kỹ thuật, kinh phí cho Tổng điều tra đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm yêu cầu hiệu quả công việc và tiết kiệm. Công tác tuyên truyền cho Tổng điều tra được Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ và các cấp quan tâm chỉ đạo. Việc rà soát doanh nghiệp đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhằm xác định bước đầu số lượng doanh nghiệp để giảm thiểu việc bỏ sót, trùng lắp trong Tổng điều tra. Công tác tập huấn điều tra được thực hiện đúng phương án, đúng đối tượng và bảo đảm thời gian, nội dung quy định.
Kết quả thu thập được từ Tổng điều tra sẽ phác họa bức tranh đầy đủ về sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, kết quả đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua năm năm, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh... Số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra này cũng sẽ là những căn cứ quan trọng để Ðảng, Nhà nước có những quyết sách trong tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư công phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015 theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI.
Tổng điều tra CSKTHCSN có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau thuộc khối doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành Thống kê với các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương trong triển khai Tổng điều tra, việc tăng cường công tác giám sát điều tra, cũng như tích cực cộng tác cung cấp thông tin là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Tổng điều tra. Với chức năng quản lý nhà nước được phân công, các ngành, các cấp tham gia Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cần chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin từ khâu lập danh sách nền, rà soát danh sách thực tế các đơn vị điều tra, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ khâu điều tra thu thập thông tin nhằm bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc.
Thời điểm Tổng điều tra đang đến gần, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các ngành, các cấp, các điều tra viên, tổ trưởng điều tra, các giám sát viên, các doanh nghiệp và đơn vị điều tra cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm về cung cấp và thu thập thông tin, bảo đảm tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra CSKTHCSN năm 2012 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
TS ÐỖ THỨC
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo
Tổng điều tra cơ sở KTHCSN Trung ương
Theo Nhandan Online