Những năm gần đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, mặt hàng xăng dầu đã từng bước được vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước, trong đó Nghị định số 84/2009/NÐ-CP đã quy định việc điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu đối với thị trường trong nước mỗi khi thị trường thế giới biến động.
Cơ chế điều hành giá xăng dầu cũng đã được xác lập. Tuy nhiên, có một lỗ hổng trong khâu quản lý thường xuyên lặp đi lặp lại là, cứ mỗi lần tăng giá, nhiều đại lý xăng, dầu viện nhiều lý do như mất điện, hết hàng, nhà có việc... ngừng bán hàng để găm hàng chờ tăng giá trục lợi. Hiện tượng này đã được dư luận phê phán gay gắt nhưng việc điều tra, xử lý vẫn chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận. Hiện nay, hệ thống bán lẻ xăng dầu trong cả nước có khoảng 14 nghìn cây xăng của các thành phần kinh tế, số lượng cây xăng găm hàng không nhiều nhưng tác động đến tình hình xã hội không nhỏ. Hành vi này cần phải lên án điều tra cụ thể, và xử lý thật nghiêm.
Trước ngày tăng giá xăng dầu 28-8, theo phản ánh của phóng viên Báo Nhân Dân, tại nhiều địa phương hiện tượng găm hàng vẫn tái diễn. Trong hai ngày 26 và 27-8, một số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội có hiện tượng đóng cửa, nghỉ bán hàng. Dọc quốc lộ 21B, đoạn từ Ba La (quận Hà Ðông) tới thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai), các cửa hàng xăng dầu Mỹ Bảo số 2 (xã Bích Hòa), Mỹ Bảo 1 (xã Bình Minh), Kim Bài (thị trấn Kim Bài) đều thuộc huyện Thanh Oai, đóng cửa nghỉ bán hàng với lý do "hết xăng". Dọc tuyến đường này, xuất hiện khá nhiều cây xăng nhỏ, quầy bán xăng lẻ với mức giá 30 nghìn đồng/lít. Trên địa bàn quận Long Biên, Cửa hàng xăng dầu tại số 88 đường Ngô Gia Tự thông báo tạm ngừng bán hàng để "sửa chữa, bảo dưỡng" cột bơm.
Chiều 28-8, Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh Nam Ðịnh kiểm tra lập biên bản Cửa hàng xăng, dầu số 76 đường Giải Phóng, phường Trường Thi và Cửa hàng số 50 đường Văn Cao, phường Văn Miếu, TP Nam Ðịnh do tại thời điểm kiểm tra đóng cửa không hoạt động. Qua kiểm tra sổ sách theo dõi thì trong tháng 8 Cửa hàng xăng dầu số 76 đường Giải Phóng được cung ứng hơn 57 khối xăng A92, ngày 27-8, cửa hàng đã nhập tiếp 6.143 lít xăng, vậy mà đến 13 giờ 30 phút ngày 28-8 đã thông báo hết hàng và đóng cửa.
Ngày 28-8, Chi cục QLTT tỉnh Ðồng Nai cho biết, tính đến đầu giờ chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm ba trạm xăng dầu ngưng bán, nâng số trạm xăng dầu ngưng bán hàng trong tỉnh lên bảy trạm. Cụ thể, tại TP Biên Hòa, Trạm xăng dầu số 6 (khu phố 2, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Mai). Các trạm xăng của Công ty TNHH Duy Ðạt (quốc lộ 1, thị xã Long Khánh); Công ty TNHH xăng dầu 116 thị trấn Ðịnh Quán; Công ty TNHH DV - SX - TM Thiên Phát Ðạt (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) cũng ngưng bán hàng, tổng đại lý không có hàng để cung cấp. Riêng với mặt hàng dầu DO vẫn bán bình thường. Ðến đầu giờ chiều 28-8, tại huyện Tân Phú, phát sinh thêm DN tư nhân Ðịnh Thúy (ấp 5, xã Phú Ðiền) ngưng bán xăng A92, riêng mặt hàng dầu DO vẫn bán bình thường...
Cũng trong ngày 28-8, qua kiểm tra các DN, đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh, Ðội QLTT số 3 Chi cục QLTT tỉnh Ðác Nông đã lập biên bản Công ty TNHH vật tư Ðác Nông có đại lý kinh doanh xăng, dầu tại số 123, đường Hai Bà Trưng, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa nghỉ bán hàng từ lúc 9 giờ ngày 27-8. Tương tự như vậy trong ngày 27-8, trong tổng số hơn 250 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ có cây xăng 19-4 của Công ty TNHH một thành viên quốc tế Việt Nam (Chi nhánh Bình Thuận) địa chỉ số 2 Trần Hưng Ðạo, TP Phan Thiết (Bình Thuận) treo bảng "hết hàng", chỉ còn bán dầu DO 0,05. Cây xăng này treo bảng "hết xăng" và không bán hàng từ khoảng 19 giờ thứ bảy (ngày 25-8). Ngày 27-8, đoàn kiểm tra của Chi cục QLTT Bình Thuận đã đo kiểm thực tế xác định, trong cả hai bồn xăng đều còn khoảng 145 lít/bồn nhưng dừng bán, số lượng dầu DO còn khoảng 5.300 lít vẫn đang tiếp tục bán bình thường.
Trên đây là một số địa chỉ ngừng bán hàng trước đợt tăng giá xăng, dầu gần nhất (28-8), chúng tôi xin cung cấp và đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp điều tra, có biện pháp xử lý thật nghiêm. Trong đó cần làm rõ các cây xăng ngừng bán hàng có phải là do các đầu mối, tổng đại lý không cấp đủ hàng, hay các nhà cung ứng cấp hàng không đúng số lượng theo hợp đồng kinh tế với các đại lý này. Việc kiểm tra cần đối chiếu giữa lượng hàng đã nhập và xuất bán để làm rõ lý do thiếu hàng. Trong trường hợp phía cung cấp không bảo đảm nguồn cần xử lý như yêu cầu của Bộ Công thương còn nếu đại lý vẫn nhận hàng nhưng găm hàng không bán phải xử lý thật nghiêm để không tái diễn.
Theo Nhandan Online