Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cần nghiêm trị các hành vi lũng đoạn ngân hàng, làm trong sạch và bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, vì quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng - Đó là sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, sự chỉ đạo đó đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng với các ban, ngành liên quan triển khai tích cực, theo một lộ trình bài bản, khoa học.
Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã được cảnh báo sớm
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng và nhân dân đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, thu được những kết quả quan trọng. Tội phạm từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm có xu hướng giảm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Cách đây 2 năm, tháng 10/2010, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Chính trị đã nhận định: “Đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như: Rửa tiền, sử dụng công nghệ cao để phạm tội, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng… Tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội chiếm tỉ lệ cao, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng”.
Sau khi cảnh báo một số loại tội phạm mới, Bộ Chính trị yêu cầu: “Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình; đề ra các nghị quyết, chương trình để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, kế hoạch phòng, chống tội phạm; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phòng, chống tội phạm. Người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình tội phạm và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở ngành, địa phương mình. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình thực hiện pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm. Kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm là một trong những tiêu chí để bình xét, phân loại đối với mỗi tổ chức đảng và đảng viên. Chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên bao che, dung túng tội phạm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác này. Cán bộ, đảng viên có vợ (hoặc chồng), con bị xử lý hình sự thì tùy theo mức độ liên đới phải xem xét khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo hoặc miễn nhiệm, cách chức nếu cán bộ, đảng viên đó đang giữ chức vụ lãnh đạo”.
Về định hướng phát triển chính sách tiền tệ và tài chính trong giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ “Thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế” và “chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền”…
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Hội nghị Trung ương ba mới đây cũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu: Cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ để có số lượng phù hợp các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.
Nghiêm trị các hành vi lũng đoạn ngân hàng
Thực hiện định hướng lớn của Đảng, ngày 9/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2011, trong đó nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, theo sát tín hiệu thị trường; thực hiện các biện pháp kiểm soát, ổn định tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng; có kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát, có biện pháp hạn chế nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và tiền gửi của nhân dân.
Và, mới đây, tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.
Bám sát sự lãnh đạo định hướng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ và chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố điều tra nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, trong đó có các bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Á châu (ACB). Cụ thể là, tháng 8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB; tháng 9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB. Và, ngày 27/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã chính thức công bố việc khởi tố bị can đối với các ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB cùng 3 bị can nguyên phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB (Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang).
Việc khởi tố các bị can nêu trên diễn ra sau khi tất cả các bị can đã từ nhiệm chức vụ lãnh đạo, điều hành ngân hàng ACB, đã có nhân sự thay thế, do đó việc khởi tố không ảnh hưởng gì tới hoạt động của ngân hàng ACB.
Việc khởi tố các bị can, trong đó có bị can Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB, trước đó nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) là thể hiện tính nghiêm minh của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, đúng với chế định đã được ghi rõ trong Hiến pháp 1992 là “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Việc khởi tố điều tra các đối tượng nguyên là lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng ACB và tới đây có thể xử lý một số cá nhân có liên quan cũng là nhằm làm trong sạch hệ thống ngân hàng thương mại, nghiêm trị các hành vi lũng đoạn ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, vì quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng. Đó chính là sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta và cũng là quyết tâm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.
Để tiếp tục tạo tâm lý an tâm cho người gửi tiền, tạo sự ổn định tình hình tài chính, tiền tệ, thì vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng là hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra là thông tin vừa phải bảo đảm tính chân thật, khách quan, đồng thời vừa phải tính đến liều lượng thông tin và thời điểm thông tin. Bởi lẽ, một trong những nguyên tắc hoạt động của báo chí là thông tin phải mang tính định hướng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt lên vai những người cầm bút của nền báo chí cách mạng Việt Nam./.
Theo Hạnh Nguyên/Báo điện tử ĐCSVN