Xem xét những nét tổng quát về xu hướng phát triển nền kinh tế thế giới từ nay đến năm 2030 (18 năm sau) có thể thấy được những xu thế vận động lớn, tập trung ở một số vấn đề cơ bản dưới đây:
Một là, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong khoảng 3 năm tới (2012 đến 2015) có nhiều khả năng sẽ không cao như trước nữa do đã đến độ “chín muồi”, tình trạng thiểu phát ở rất nhiều nước trước khi xẩy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2007 là một biểu hiện cho thấy hàng loạt các sản phẩm cũ đã bão hoà. Các nền kinh tế của Mỹ, của nước Nhật Bản, các nước khối Tây âu, khối Bắc âu và nước Liên bang Nga....chưa thể có được sự tăng trưởng đột biến, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ không cao như những năm trước khi xẩy ra khủng hoảng kinh tế.
Nền kinh tế ở nhiều nước Đông Nam á và các nước thuộc Châu phi, Nam Mỹ và Mỹ la tinh còn tiếp tục gặp khó khăn. Sau khi đã đến độ chín muồi về kinh tế, hàng loạt các sai lầm về quản lý ở tầm vĩ mô, đặc biệt là sai lầm về chính sách kinh tế ở các nước như Anh, Mỹ, Đức và một số nước khác đã châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế ở quy mô toàn cầu nổ ra. Hàng loạt các nước rơi vào tình trạng nợ công có nguy cơ đến an ninh xã hội và chưa có hướng giải quyết. Sau khoảng 3 năm nữa (đến năm 2015), kinh tế thế giới dần ổn định trở lại, cơ cấu kinh tế thế giới sẽ từng bước chuyển sang loại hình kinh tế mới, đó là kinh tể tri thức.
Hai là, làn sóng cải cách kinh tế sẽ nhanh chóng lan toả khắp thế giới sau cuộc đại khủng hoảng và sự phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế hàng hoá có sự điều tiết chặt chẽ hơn của Nhà nước sẽ trở thành trào lưu chung đối với tất cả các nước trên thế giới.
Cho tới năm 2030, nền kinh tế thế giới lúc này vẫn tiếp tục hình thành 3 vòng tròn kinh tế lớn, đó là vòng tròn kinh tế Châu âu mà trung tâm là Liên minh Châu âu; vòng tròn kinh tế Châu mỹ mà trung tâm là nước Mỹ và vòng tròn kinh tế Châu á – Thái Bình Dương mà đi đầu là nước Nhật Bản. Ba vòng tròn kinh tế này tiếp tục tác động và quyết định sự phát triển kinh tế thế giới trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về sự nghèo khó và kém phát triển ở suốt dọc phía Tây của nước họ, đang bế tắc về mặt lý luận học thuật và khủng hoảng về đường lối nhưng họ cũng đang hết sức nỗ lực và cố gắng để có mặt và tham dự vào 3 vòng kinh tế này.
Ba là, tự do hoá thương mại là xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế theo mô hình mới, sự phát triển mậu dịch quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ; các công ty xuyên quốc gia tiếp tục là chủ thể kinh doanh chủ đạo. Khu vực Châu á – Thái Bình Dương sau khi vượt ra khỏi cơn bão táp tài chính, tiền tệ năm 1997 và sau khi thoát khỏi ảnh hưởng khá nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007, trong tương lai những năm trước mắt sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển khoa học công nghệ và là động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển mạnh.
Qua nhận định như vậy, có thể dự báo xu thế phát triển đặc trưng của thương mại thế giới trong những năm từ 2012 đến 2030 như sau:
Rút ra bài học kinh nghiệm từ 2 cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, hầu hết các nước đều sẽ đưa ra chiến lược ổn định kinh tế trong nước của họ và tiếp theo đó là tiến hành công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, tự do hoá thương mại và mong muốn tham gia vào các tổ chức liên kết khu vực và toàn cầu. Tất cả các nước đều đang trong quá trình dò tìm cho họ một lộ trình phát triển phù hợp và có lợi cho đất nước của họ và đều dùng chính sách bảo hộ;
Lĩnh vực hoạt động thương mại ngày càng được mở rộng từ việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, hoạt động đầu tư, sở hữu trí tuệ... Đến thay đổi cơ cấu thương mại theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm chế biến, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn... Giảm tỷ trọng hàng lương thực thực phẩm và đồ uống, nguyên liệu truyền thống có nguồn gốc tự nhiên trong tổng kim ngạch buôn bán, trong tương lai những năm trước mắt sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm xuất khẩu mới;
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các nước.Thương mại điện tử sẽ trở thành phương thức được dùng rộng rãi và vai trò điều tiết của Nhà nước trong tất cả các mối quan hệ kinh tế quốc tế nói chung và trong thương mại nói riêng ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng.
Từ năm 1987 khi đất nước bước vào đổi mới toàn diện nền kinh tế đến nay đã trải qua 25 năm.Hoạt động thương mại của Việt Nam đã vận động đúng định hướng mà Nhà nước và Chính phủ đã xác định, đó là:
Phát triển thương mại nhiều thành phần với nhiều loại hình sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
Quan hệ kinh tế và thương mại nói riêng với các nước được mở rộng và phát triển không ngừng theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Việt Nam đã gia nhập ASEAN, APEC, đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và hiện nay đã là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới được vài năm và đang triển khai áp dụng các quy định theo lộ trình.
Hoạt động thương mại đã gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng trong công tác củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Thực trạng hoạt động thương mại trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào ổn định nền kinh tế, khắc phục tình trạng lạm phát, thúc đẩy sản xuất phát triển và phân công lại lao động xã hội, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường, bước đầu phát huy được lợi thế so sánh của các vùng trong nước và giữa thương trường trong nước với thị trường ở các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đó, quá trình phát triển thương mại của Việt Nam trong 25 năm qua cũng bộc lộ những mặt hạn chế và những tồn tại cần nhanh chóng khắc phục, đó là:
Cơ chế bao cấp và độc quyền Nhà nước trong kinh doanh vẫn còn tồn tại; tình trạng phát triển thị trường giữa các địa bàn còn quá nhiều chênh lệch; xuất nhập khẩu của Việt Nam và đầu tư từ nước ngoài vàoViệt Nam tuy phát triển nhanh nhưng cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch còn chậm và hiệu quả xuất khẩu chưa cao, cơ cấu đầu tư chưa khoa học và hiệu quả đầu tư vẫn chưa cao, tình trạng đầu tư dàn trải, chưa khoa học, gây nhiều thất thoát, lãng phí vẫn còn tồn tại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại còn nghèo nàn, lạc hậu; trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh thương mại vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh theo cơ chế mới; hệ thống pháp luật nói chung, luật kinh doanh nói riêng dù đã được hoàn thiện và bổ sung, song vẫn còn nhiều khe hở, chưa bao quát hết thực tiễn hoạt động kinh doanh;
Cho đến nay Việt Nam vẫn chỉ là nơi tiêu thụ rất nhiều loại hàng hoá tồn đọng, ứ thừa và kém chất lượng từ các nước công nghiệp khác và từ Trung Quốc. Bên cạnh những máy móc thiết bị công nghệ cao Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được mà phải nhập khẩu thì ngay cả những hàng hoá công nghiệp nhẹ phục vụ cho tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày cũng tràn lan, có nguy cơ đè bẹp và triệt tiêu hàng trong nước, nền sản xuất trong nước.
Xuất phát từ xu thế phát triển kinh tế, thương mại thế giới từ nay đến 2030 và thực trạng tình hình thương mại của Việt Nam trong những năm qua, có thể định hướng về xu thế phát triển thương mại Việt Nam từ nay đến 2030 như sau:
Một là, lấy đẩy mạnh xuất khẩu là khâu chủ chốt kết hợp với thay thế nhập khẩu và tăng cầu nội địa. Xuất khẩu giữ một vị trí rất quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển thương mại và tăng trưởng nền kinh tế. Bên cạnh việc xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ qua biên giới sang các nước khác, cần quan tâm nhiều hơn tới xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tại chỗ (on spot export), vì đây là một mặt trận rất quan trọng. Chúng ta cần biết rằng Việt Nam đang trên đà phát triển đi lên cùng các nước khác trên thế giới thì hàng năm lượng khách nước ngoài đủ mọi tầng lớp, thành phần sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Chúng ta cũng cần thống nhất cách hiểu về xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tại chỗ một cách đầy đủ và rộng rãi hơn. Nghĩa là, đối tượng mà chúng ta đáp ứng cho họ một cách đầy đủ về hàng hoá và dịch vụ là người nước ngoài, còn đồng tiền thu về bất kể là lợi tiền gì, có thể là đồng Việt Nam, cũng có thể là đồng Đôla hoặc Euro...Chúng ta cũng không nên bận tâm nhiều về việc tiền thu về từ việc cung ứng hàng hoá dịch vụ có vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước hay vào các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh hay không, miễn là tiền từ túi người nước ngoài cứ chẩy vào Việt Nam là được.
Hai là, thực tiễn phát triển kinh tế của các nước từ trước tới nay đều lấy doanh nghiệp lớn làm nòng cốt cho toàn bộ nền kinh tế đất nước. Doanh nghiệp lớn là át chủ bài, là quân chủ lực của ngành, đồng thời doanh nghiệp lớn còn nói lên thực lực kinh tế của đất nước và sức cạnh tranh đối với quốc tế. Sự phát triển của các doanh nghiệp lớn giúp cho việc mở rộng quy mô ra ngoài biên giới đất nước, là một trong những đặc trưng của sự phát triển kinh tế thế giới ngày nay và chính nhờ sự phát triển của nó đã đem lại sức sống mãnh liệt cho mậu dịch quốc tế.
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được và tỏ ra rất phù hợp đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ.Thực chất là sau chiến tranh thế giới thứ hai, một số nước ở Châu âu đã láy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nòng cốt cơ bản cho sự phát triển kinh tế đất nước của họ, quá trình ấy kéo dài cho tới tận đầu những năm 1970 của thế kỷ 20. Ngay cả ngày nay, một số nước ở vùng Bắc âu và Trung Quốc vẫn còn duy trì mô hình doanh nghiệp kiểu này.
Đối với Việt Nam, con đường tất yếu cho sự phát triển đất nước chính là sự kết hợp giữa 3 loại hình quy mô: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, doanh nghiệp lớn là nòng cốt và giữ vai trò chủ đạo. Muốn vậy, Việt Nam cần phát triển một vài tổng công ty và doanh nghiệp thành tập đoàn kinh doanh lớn (chừng khoảng 5 tập đoàn) và từng bước mở rộng hoạt động của nó để làm nòng cốt cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Thực chất trong vài năm qua đã có những doanh nghiệp phát triển thành tập đoàn kinh tế cỡ công ty xuyên quốc gia như ở các nước phát triển, ví dụ như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Dệt may...Đồng thời thành lập hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vai trò hết sức quan trọng đối với lưu thông và sản xuất hàng hoá, dịch vụ.
Bên cạnh một số bạn hàng mới có quan hệ với Việt Nam như một số nước thuộc khối Bắc âu, Đông âu, cần quan tâm nhiều hơn tới các bạn hàng cũ đã có quan hệ từ lâu năm như: ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Cộng đồng Châu âu (EU), Liên Bang Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Cộng hoà Nam Phi, Tiểu Vương quốc ả Rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irac...
Trong 18 năm tới, tiếp theo cuộc cách mạng công nghệ thông tin sẽ là cuộc cách mạng về công nghệ sinh học, sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Thương mại điện tử vẫn sẽ là xu hướng nổi trội, tạo ra những biến chuyển lớn lao trong các phương thức kinh doanh. Khu vực nào, đất nước nào tận dụng tốt các cơ hội đó sẽ bứt lên nhanh chóng và ngược lại sẽ bị tụt hậu, bị đào thải. Mười năm tới và những năm sau đó, sự cách biệt về phát triển giữa các nước trên thế giới sẽ dần bị thu hẹp lại và kể từ năm 2030 đến năm 2050 của thế kỷ 21 trở đi là những năm của phát triển và thịnh vượng.
TS. Trần Văn Hùng
Theo GD & TĐ Online